Thị trường

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững

Chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Nhiều làng hoa ở TP HCM đang tất bật vào vụ Tết / Hàng nghìn ha thanh long tại Tiền Giang chín đỏ chờ Tết

Năm 2018 đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

Với chuỗi 3 Hội thảo quan trọng và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn sẽ bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới.

Cụ thể, các hội thảo sẽ bàn về các chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”; chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”; và chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.

Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều17/1) sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì. Các vị Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam sẽ có các bài trình bày quan trọng về: Kinh tế Việt Nam năm 2018, triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn.

Nhìn lại, 2018 vừa qua là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý.

Việt Nam đã hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%…

 

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những chính sách, chỉ đạo đúng đắn và phát huy hiệu quả của Chính phủ của thời gian qua, cũng cho thấy thách thức trong thời gian tới để giữ vững và đạt được thành tích tốt hơn.

Đặc biệt, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Hiệp định CPTPP vừa Chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, dự báo sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới. Cộng đồng kinh doanh sẽ có những cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này bắt đầu phát sinh hiệu lực ở nước ta, nhất là khi các cam kết bắt đầu được nội luật hóa.

Trong khi đó, thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hoá, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh trong nền kinh tế.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi chúng ta vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý các hoạt động kinh doanh hiện tại. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại.

Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

 

Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung khai thác trong vô số những vấn đề kinh tế đang đặt ra. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm...

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm