Đồng Nai: Thu hút vốn ngoại ''đổ'' vào nông nghiệp
Sếp lớn của Huawei tuyên bố "cạch mặt" Google / Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng số lượng lớn khẩu trang kháng khuẩn
Nông dân Đồng Nai chủ yếu dùng giống bắp lai do doanh nghiệp FDI sản xuất. Trong ảnh: Bắp trồng tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn lớn có thể kể đến là: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty Sunjin Vina, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina, Công ty TNHH De Heus... Khi mới đầu tư vào Đồng Nai, các doanh nghiệp FDI thường tập trung vào mảng thức ăn chăn nuôi, hạt giống, khi ổn định thì mở rộng ra những mảng khác.
* Doanh nghiệp FDI làm chủ ngành chăn nuôi
Xét về một số khía cạnh, doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn để xảy ra một số bất cập, nổi bật nhất là trong chăn nuôi, người cho thuê trang trại hay các trang trại nuôi gia công phải tự chịu trách nhiệm về môi trường dẫn đến thời gian qua, nhiều trại để xảy ra ô nhiễm môi trường cần khắc phục. Thế nhưng, trên tổng thể, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng Nai đã góp phần thúc đẩy cho chăn nuôi, trồng trọt của tỉnh phát triển và nâng thu nhập bình quân đất sản xuất nông nghiệp lên gần 229 triệu đồng/hécta/năm. |
Từ đầu thập niên 1990, các doanh nghiệp ngoại đã đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, mở rộng dần sang mảng sản xuất con giống và tiến đến chăn nuôi theo hai hình thức là thuê lại chuồng trại để nuôi hoặc ký hợp đồng với các chủ trang trại nuôi gia công.
Gần 3 thập niên trôi qua, các doanh nghiệp FDI đưa vốn vào nông nghiệp đã giúp cho ngành chăn nuôi của Đồng Nai vượt xa nhiều tỉnh, trở thành “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Đồng thời, tỉnh cũng là nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống lớn nhất trong nước.
Ông Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết: “CP là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và Đồng Nai là điểm “dừng chân” đầu tiên. Công ty bắt đầu với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau mở rộng ra sản xuất con giống, chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Đầu tư của CP góp phần giúp cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển”.
Hiện nay, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam là doanh nghiệp FDI nằm trong tốp đầu có vốn đầu tư vào nông nghiệp lớn nhất. Đầu tư vào Đồng Nai thành công, CP đã xây dựng thêm hàng loạt nhà máy ở các tỉnh, thành khác và sản xuất cả hạt giống. Trong chăn nuôi, CP không dừng lại heo, gà, vịt mà còn “với tay” sang cả thủy sản... Chỉ tính riêng nguồn vốn của CP đầu tư vào Đồng Nai, lượng vốn đã lên đến gần 300 triệu USD. Sản phẩm của CP hiện nay rất đa dạng chủng loại và ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước còn xuất khẩu vào một số nước trên thế giới.
Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) liên kết đầu tư chế biến thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: K.MINH |
Theo thống kê sơ bộ, Đồng Nai hiện thu hút hơn 30 doanh nghiệp FDI rót vốn vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi heo, gà, thủy sản...
Ông Yamasaki Fumiaki, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty liên kết với các trang trại nuôi gà tại Đồng Nai và bao tiêu đầu ra để chế biến thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện sản lượng gà xuất khẩu 200-250 tấn/tháng và dự kiến sẽ tăng 350 tấn/tháng vào cuối năm 2020. Để có nguồn sản phẩm sạch, công ty hỗ trợ nông dân kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn. Ngoài thị trường Nhật Bản, công ty dự tính sẽ xuất khẩu vào châu Âu”. Công ty TNHH Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai nhận xét: “Các doanh nghiệp FDI rót vốn vào lĩnh vực chăn nuôi từ khá sớm đã góp phần cải thiện giống, năng suất và chất lượng heo, gà, vịt. Đồng Nai trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi heo, gà, vịt theo hướng tập trung, có đóng góp lớn của doanh nghiệp FDI”.
* Bắt đầu quan tâm nhiều đến trồng trọt
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cả nước có hơn 260 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp FDI. Năm 2008, các doanh nghiệp sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn/năm, năm 2018 lên 19 triệu tấn/năm và năm 2019 đã lên tới hơn 20 triệu tấn. Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 1 Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi. |
Khi đến Đồng Nai cũng như Việt Nam mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp FDI đã nghĩ ngay đến việc đưa hạt giống bắp theo để tăng năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất (bắp là nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi).
Từ nhiều năm nay, trên 80% hạt giống bắp để sản xuất tại Đồng Nai đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cùng với việc sản xuất hạt giống bắp thì các doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây bắp và mở rộng ra các loại cây trồng khác tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Cây hằng năm trên địa bàn huyện hầu hết đều sử dụng giống mới để có năng suất, chất lượng cao. Những hạt giống trên chủ yếu do các doanh nghiệp FDI sản xuất, cụ thể như bắp, rau ăn lá, củ, quả”. Khảo sát một số đại lý lớn chuyên bán sỉ, lẻ hạt giống trên địa bàn tỉnh cho thấy, riêng giống lúa có hơn 80% thuộc doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn các hạt giống cho những cây trồng hằng năm khác đến gần 90% do doanh nghiệp ngoại sản xuất tại Việt Nam.
Gần 90% hạt giống rau ăn lá do doanh nghiệp FDI sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất rau ăn lá tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) |
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trên thế giới có khoảng 10 tập đoàn lớn chuyên phát triển hạt giống, cây giống và chiếm hơn 70% thị phần hạt giống rau thế giới đã có 7 tập đoàn đã có mặt tại Việt Nam như: Syngenta (Thụy Sỹ), East West (Hà Lan), Takii Sakata (Nhật Bản), Vilmorin (Pháp)... và chiếm gần 90% thị trường hạt giống tại Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Syngenta Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, năm 2000, công ty đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai cung cấp hạt giống bắp, lúa, rau cho thị trường Việt Nam. Sau đó, công ty sản xuất thêm thuốc bảo vệ thực vật cho nhiều loại cây trồng và cung cấp kỹ thuật chăm sóc cây trồng miễn phí cho nông dân. Hiện Syngenta chiếm thị phần khá lớn về hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật ở thị trường trong nước.
Đồng Nai là nơi giao thông thuận lợi, nông nghiệp phát triển, do đó nhiều doanh nghiệp FDI đã chọn làm nơi đặt nhà máy đầu tiên để sản xuất, rồi mới tiếp tục mở rộng ra các tỉnh, thành khác. Cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất giống, các doanh nghiệp FDI liên kết với những địa phương trong tỉnh, đưa nhiều loại giống mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc hiện đại đến với các câu lạc bộ, hợp tác xã, nông dân. Kết quả, nông dân giảm chi phí đầu vào, nhưng năng suất, chất lượng nâng lên và thu nhập cũng tăng theo.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật - thủy lợi Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đánh giá: “Trên lĩnh vực sản xuất hạt giống và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế. Gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm diện tích đất lớn để trực tiếp trồng rau củ, trái cây. Tuy nhiên, tìm những khu đất có diện tích lớn để phát triển trồng trọt tại Đồng Nai đang là khó khăn khá lớn với các doanh nghiệp muốn đầu tư”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024