Thị trường

Giá gạo tăng, triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021

DNVN – Những ngày đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục được duy trì ở mức cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến các hoạt động giao thương nông sản trên thế giới thì mức tăng trưởng của xuất khẩu gạo thời gian qua là một điểm sáng, mở ra những kỳ vọng mới cho ngành hàng chiến lược này.

Xuất khẩu gạo thương hiệu Việt: Tăng cường liên kết chuỗi / Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mặt Thái Lan

Theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, những ngày đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam tiếp tục ở mức cao, trên 500 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 529 USD/tấn, còn gạo 5% tấm của Việt Nam từ 508-512 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp tục đứng ở mức cao, trên dưới 500 USD/tấn, trong một thời gian khá dài. Điều này trước hết là do nguồn cung gạo hàng hóa ở Việt Nam hiện không có nhiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành Nông nghiệp Việt Nam, trong đó có nhóm hàng lúa gạo, đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có. Với tình hình hiện nay, dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan.

Bên cạnh đó, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam, đang được xuất khẩu nhiều sang Đài Loan, HongKong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. Thị trường EU cũng đang được coi là rất tiềm năng khi EVFTA được thực thi từ ngày 1/8/2020 đã cho kết quả xuất khẩu gạo rất khả quan với hạn ngạch gạo thơm lên đến 80.000 tấn/năm.

Tương lai đầy triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021.

Tương lai đầy triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu. Từ việc Việt Nam luôn đứng top đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, chủ yếu là gạo cấp thấp, giá thấp thì nay đã chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sự chuyển hướng trong cơ cấu chủng loại có thể thấy rõ tại các địa phương ở vùng trọng điểm lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, khi mà diện tích trồng lúa thơm, lúa đặc sản không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua. Riêng đối với giống lúa thơm, sản lượng lúa thơm toàn vùng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng thì đây chính là nguồn hàng lớn cho các hợp đồng sắp tới sang thị trường châu Âu.

Có thể thấy, sự tăng trưởng xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với những chuyển biến về thị trường, giá bán, cơ cấu chủng loại... đang tạo ra cơ hội thay đổi lớn cho ngành hàng lúa gạo nước ta cả trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa. Nhất là trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do liên quan đến nông nghiệp được ký kết và có hiệu lực sẽ trở thành bàn đạp cho nỗ lực mở rộng thêm thị trường mới, tăng tính cạnh tranh của ngành hàng này. Do đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt các cơ hội đang có chắc chắn sẽ đem lại vị thế mới cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), liên tục trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên sàn thế giới luôn ở mức cao. Cuối tháng 10/2020, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 493 đến 497 USD/tấn, cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, nhiều lô hàng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt mức giá 1.000 USD/tấn. Theo số liệu của Bộ Công thương, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU mấy năm gần đây đạt mức trung bình khoảng 20.000 tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU là 2,5 triệu tấn gạo/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Mặt khác, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới ký kết gần đây, cũng sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu gạo trong năm 2021. Từ tháng 8 đến hết tháng 12/2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt hạn ngạch thuế quan xuất khẩu gạo sang EU theo Hiệp định EVFTA, bằng các hợp đồng bán gạo thơm với giá cao.

Điều này đã góp phần không nhỏ làm tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2021 này nếu các doanh nghiệp tận dụng được tối đa hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo xuất khẩu sang EU, trong đó có 30 ngàn tấn gạo thơm.

Cũng theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường: “Năm 2021, nếu thị trường thế giới không có biến động lớn, Việt Nam vẫn sẽ xuất khẩu từ 6 - 6,5 triệu tấn gạo”.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm