Giá vàng liệu còn 'nhảy múa'?
Bất động sản sẽ phục hồi nhưng không đồng đều ở các phân khúc / Chính sách kinh tế được dư luận quan tâm có hiệu lực từ tháng 1/2024
Giới phân tích kỳ vọng, đây tiếp tục là tài sản có mức tăng trưởng và tính phòng cao trong năm 2024 khi các yếu tố kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên xuống bấp bênh, lãi suất ngân hàng giảm quá sâu, giao dịch bất động sản chững lại, sẽ khó tránh khỏi việc dòng tiền chuyển dịch vào kênh sinh lời hấp dẫn hơn. Mặt khác, dịp cuối năm cũng là lúc nhu cầu mua sắm vàng tăng cao phục vụ lễ tết, cưới hỏi.
Đồng quan điểm với vị chuyên gia này, nhà phân tích Trương Vi Tuấn của trang giavang.net cho rằng:“Giá trị của tài sản vàng trong thời gian năm 2024 tới vẫn còn tiềm năng tăng giá nên việc đầu tư vào tài sản vàng vẫn được cho là thông minh. Tuy vậy, người mua vàng nên tỉnh táo không lao theo mua vàng miếng bằng mọi giá mà nên chọn các sản phẩm vàng thương hiệu khác như vàng nhẫn, vàng 9999...".
Nhà phân tích này cũng chỉ ra các yếu tố tác động đến tăng giá vàng trong thời gian tới. Cụ thể, thị trường vàng trong nước đang đứng trước các yếu tố biến động gồm tỷ giá VND/USD, xu hướng tăng giá vàng thế giới và yếu tố mùa vụ, cụ thể là chu kỳ tiêu dùng cuối năm, mùa cưới, đặc biệt là ngày Vía Thần tài (mùng 10 Tết Âm lịch).
Dự báo nhu cầu vàng, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay, chính sách lãi suất của Mỹ, giá trị đồng USD và các sự kiện toàn cầu như căng thẳng địa chính trị sẽ góp phần gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vàng.
“Vàng thường được xem như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn, điều này sẽ tác động đến cầu vàng trước những biến động kinh tế. Tuy nhiên, thị trường vàng phức tạp và liên tục biến đổi, những yếu tố này còn tương tác với nhiều điều kiện kinh tế và tính chất thị trường”, ông Shaokai Fan nhận định.
Thị trường thế giới kết thúc năm giao dịch 2023 khởi sắc nhất kể từ năm 2020, nhờ những kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất vào tháng 3/2024. Đến nay, giá vàng đã tăng 13% trong năm 2023, từ mức gần 1.800 USD/ounce đến mức cao kỷ lục 2.135,4 USD/ounce.
Hiện giới đầu tư trên thế giới dự đoán giá vàng sẽ ghi nhận các mức cao kỷ lục mới trong năm sau, khi nhận được lực đẩy từ một loạt yếu tố, như khả năng hạ lãi suất tại Mỹ, rủi ro địa chính trị vẫn tiếp diễn và hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương.
Trên thị trường giao dịch, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm (28/12), giá vàng SJC được hầu hết doanh nghiệp kinh doanh ở ngưỡng 74 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Mức giá này ghi nhận giảm mạnh so với thời điểm cán mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trong phiên 26/12 trước đó.
Giới phân tích trong nước cho rằng, đây là phản ứng điều chỉnh của thị trường trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và động thái của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp quản lý thị trường vàng, nhằm ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Cùng ngày, về phía Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Nhà phân tích Trương Vi Tuấn của trang giavang.net nhìn nhận: Thông tin chỉ đạo, điều hành vừa qua thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng. Hiện việc giá vàng giảm được cho là về gần với giá trị hợp lý.
"Diễn biến của giá vàng miếng cần tuân theo các biến động kinh tế trong nước theo các cơ sở tính toán theo diễn biến hợp lý của tỷ giá USD/VND và biến động của giá vàng thế giới. Chừng nào các yếu tố nói trên tác động làm tăng trực tiếp tới giá trị của tài sản vàng miếng thì mới được coi là tăng trưởng ổn định của tài sản này. Còn nếu không, giá vàng miếng tăng “một mình một chợ” thì đó là sự vô lý, kém minh bạch và cần phải điều chỉnh”, nhà phân tích này nhấn mạnh.
Đối với Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ: Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước đánh giá: “Thời gian vừa qua, Nghị định số 24 đã đóng rất tốt vai trò trong nỗ lực chống vàng hoá và đô la hoá nền kinh tế. Về lâu dài, không chỉ vàng SJC mà các thương hiệu vàng khác, Nhà nước cần có chính sách tạo ra nguồn cung, bên cạnh lượng nhập khẩu để chế tác gia công các hàng mỹ nghệ”.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, ngay trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP; trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo