Giải oan cho xăng E5
Xây dựng lộ trình chuyển giao thanh toán chứng khoán về Ngân hàng Nhà nước / Quảng Trị: Thu giữ nhiều đồ chơi có tính bạo lực
Mặc dù, các chuyên gia đã đưa ra nhiều chứng minh khoa học khẳng định xăng E5 hoàn toàn an toàn cho động cơ nhưng người dân vẫn “bán tín bán nghi” vì trong suốt một thời gian dài nguyên nhân của các vụ cháy xe vẫn chưa được làm rõ.
Giải thích nguyên nhân xảy ra các vụ cháy xe, các chuyên gia chỉ ra rằng, chất lượng xăng dầu, phụ tùng, chế độ bảo trì và điều kiện vận hành là những nguyên nhân có thể gây cháy xe. Trong đó, chất lượng xăng dầu là nghi vấn hàng đầu. Bởi nếu nhiên liệu không đạt tiêu chuẩn thì nguy cơ gây ra cháy nổ sẽ rất cao. Mặc dù kết quả cuối cùng chưa được xác định nhưng không ít người vẫn “đổ vấy” cho xăng E5 vì đó là loại nhiên liệu mới được đưa ra thị trường lại đúng vào thời điểm rộ lên hàng loạt vụ cháy xe. Đây cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng chưa thật sự tin dùng khi xăng E5 được triển khai bán đại trà.
Nỗi "oan” của xăng E5 được giải tỏa khi cơ quan chức năng phát hiện đường dây xăng giả và khẳng định nguyên nhân gây cháy xe.
Mãi cho đến thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng phá được đường dây pha chế, buôn bán xăng giả với quy mô lớn, hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam và ra cả một số tỉnh phía Bắc thì nguyên nhân của các vụ cháy xe chính thức được làm sáng tỏ.
Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, một trong những nguyên nhân cháy nổ xe thời gian qua là do sử dụng xăng giả, xăng kém chất lượng. Việc Công an tỉnh Đắk Nông phá vụ pha chế, tiêu thụ xăng giả của đại gia Trịnh Sướng vừa qua là một lời giải để trả lời cho câu hỏi của người dân về hiện tượng vì sao nhiều xe ô tô, xe máy lưu thông trên đường đột nhiên bốc cháy.
Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của nhiều chuyên gia trước đó cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy xe là chất lượng nhiên liệu kém, do pha nhiều các chất phụ gia, tự ý pha thêm các chất phụ gia chưa được cho phép hoặc pha quá tỉ lệ an toàn được quy định. Bởi lẽ, các chất phụ gia được pha với một tỉ lệ lớn sẽ gây ra sự lão hóa nhanh đối với các chi tiết động cơ, làm rò rỉ nhiên liệu và khi gặp nguồn phát nhiệt, hay tia lửa từ một nguồn nào đó, hoàn toàn có thể gây ra cháy xe.
Cụ thể như, nếu pha thêm acetone vào xăng, chỉ cần một liều lượng nhỏ sẽ làm cho chỉ số octan tăng thêm rất cao, có thể qua mắt nhà quản lý chất lượng. Acetone là chất dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm, có thể gây rò rỉ nhiên liệu.
Còn trên thực tế, xăng dầu là mặt hàng năng lượng được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất, phân phối cho đến tay người tiêu dùng. Ở nước ta, nguồn xăng dầu sản xuất trong nước được cung cấp chủ yếu bởi đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số nhà máy chế biến khí hóa lỏng nhỏ lẻ khác. Tổng sản lượng cung cấp ra thị trường từ hai nhà máy này có thể đáp ứng khoảng 80- 85% nhu cầu xăng dầu nội địa.
Với vai trò vừa là đơn vị sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng sản phẩm xăng dầu đến tận tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trực tiếp tại các cây xăng và các đầu mối xăng dầu trên cả nước.
Sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có mặt tại hầu hết các cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Sài Gòn Petro, Xăng dầu Quân đội, Petimex Đồng Tháp, Thalexim… và sau đó được cung cấp đến người tiêu dùng.
Quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm sản xuất tại các nhà máy lọc hóa dầu được thực hiện và giám sát chặt chẽ từ khâu chế biến, pha trộn sản phẩm thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng được chuẩn hóa theo ISO 9001. Theo đó, sản phẩm trước khi xuất bán từ các nhà máy lọc hóa dầu bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn cơ sở riêng của từng nhà máy và chắc chắn đáp ứng các quy định hiện hành về chất lượng của Nhà nước.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, các đơn vị của Tổng cục Đo lường chất lượng đến các Nhà máy để đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và lấy mẫu kiểm tra. Thậm chí, trong các trường hợp cụ thể, các sản phẩm này còn phải đạt các yêu cầu cao và ngặt nghèo hơn về một số chỉ tiêu của các nhà phân phối xăng dầu theo các hợp đồng thương mại.
Riêng với xăng E5, công tác kiểm soát sản xuất, phối trộn để ra được xăng E5 hiện nay là hết sức chặt chẽ, tuân thủ đúng tiêu chuẩn Việt Nam. Chất lượng xăng E5 đã được khẳng định không chỉ qua các nghiên cứu, thử nghiệm mà chính bằng thực tế tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước. Trên thực tế, xăng sinh học, trong đó có E5, E10 đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng từ vài chục năm qua. Nhiều quốc gia đã phát triển đến E20, E50, thậm chí xăng E85 tương ứng với mức hàm lượng Ethanol 85% cũng đã được thử nghiệm và đưa vào sử dụng tại nhiều nước.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, việc sử dụng xăng E5 hoàn toàn an toàn cho động cơ. Và khi sử dụng song song giữa xăng E5 và xăng khoáng RON 95 cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến động cơ xe vì bản chất xăng E5 là xăng khoáng RON 92 pha trộn tỷ lệ rất nhỏ 4 – 5% ethanol. Vì vậy, người tiêu dùng có thể hoàn toàn an tâm khi sử dụng xăng E5, đồng thời được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi giá của Nhà nước. Đặc biệt, việc sử dụng xăng E5 sẽ giảm đáng kể lượng chất thải độc hại ra môi trường (giảm khoảng 20% chất thải độc hại so với sử dụng xăng khoáng) và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết