Hệ thống điện chịu thiệt hại nặng bởi bão Yagi
Bão số 3 đổ bộ đất liền, hoạt động mua bán giảm mạnh / Bộ Công Thương: Không thiếu hàng hoá thiết yếu
Sáng 8/9, báo cáo Chính phủ về công tác chỉ đạo ứng phó, giảm thiểu và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hệ thống điện chịu thiệt hại nặng nề cả đối với lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. 10 nhà máy điện khu vực Đông Bắc phải dừng hoàn toàn một số tổ máy trước khi bão đổ bộ vào để bảo đảm an toàn hệ thống. Ước tính gần 1 triệu khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng.
Đến 6h sáng 8/9, phụ tải không cung cấp được miền Bắc là 63%. Trong đó, nặng nhất là Hải Dương 98%, Quảng Ninh đến 99%, Hải Phòng 90%, Thái Bình 95%... Trên diện rộng nhiều tỉnh, đặc biệt Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ phải chủ động ngắt điện để bảo đảm an toàn hệ thống điện và không đủ năng lực phụ tải. Lý do chính của việc này là do đường dây và trạm biến áp gặp sự cố. Ngoài ra, tình trạng mất mạng viễn thông gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị đã tập trung cao độ, ứng trực để kịp thời xử lý nhiều sự cố và khẩn trương khắc phục sau khi bão tan. Đến 22h30 ngày 7/9, các đơn vị điện lực đã đóng điện lại cho tất cả các trạm biến áp và đường dây 220 kV bị ảnh hưởng. Các đơn vị điện lực liên quan đang tiếp tục kiểm tra an toàn các đường dây 110 kV, 35 kV, lưới điện cơ sở để tiếp tục đóng điện trở lại.
Tất cả các Công ty Điện lực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đều đã tổ chức tái lập ca trực tại tất cả các TBA 110kV, đường dây và vị trí lưới điện xung yếu. Đồng thời sẵn sàng các kịp trực khắc phục sự cố. Đến 22h30 ngày 7/9, cả 10/10 nhà máy điện khu vực Đông Bắc được khôi phục lại điện tự dùng để chuẩn bị khởi động và sẵn sàng hòa lưới.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Công Thương, để bảo đảm an toàn, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tách khỏi vận hành 14 trạm biến áp ngay trước khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên sự cố xảy ra khá nặng. Các đơn vị đang phải tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư để khắc phục.
"Trước bão, Bộ đã chủ động chỉ đạo dừng, giảm hoạt động cung cấp điện tại các tổ máy để bảo đảm an toàn về người và thiết bị, tài sản. Đồng thời, các nguồn cung cấp điện vẫn bảo đảm an toàn. Ngay trong đêm qua, 3/10 nhà máy đã được phục hồi trở lại, 7 nhà máy còn lại đang được khẩn trương khắc phục. Đến 6h sáng nay đã tái khởi động để phát điện tự dùng, sau 5 - 6 tiếng có thể phát điện trở lại", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo.
Hiện lưới điện 500 kV, 220 kV đã, đang được khắc phục khẩn trương. Đầu giờ chiều ngày 8/9 có thể đóng điện. Các tuyến đường dây 110 kV, 35 kV tiếp tục được kiểm tra, xử lý sự cố để đóng điện sớm nhất.
Trước đó, sáng sớm nay, Bộ Công Thương đã tổ chức giao ban, đánh giá nhanh tình hình và thống nhất phương án xử lý. Ngay sau đó, Bộ đã kịp thời cử các đoàn công tác của các cơ quan chức năng của Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đi Quảng Ninh, Hải Phòng có chỉ đạo trực tiếp triển khai khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Tập trung chỉ đạo các đơn vị ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống điện bị sự cố nhanh nhất, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra. Ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất.
“Chúng tôi xác định hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ. Do vậy, các nhà máy điện, nhất là thủy điện, cung cấp sản lượng điện lớn cho miền Bắc, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng. Cần sẵn sàng để xử lý các sự cố có thể xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo tạo điều kiện tốt nhất để ngành điện khắc phục sự cố nhằm khôi phục sớm nhất việc cung cấp điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân một cách sớm nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo