Hiến kế đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt
Tham dự hội thảo, về phía TƯ có ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB TW MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Trịnh Minh Anh - Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế và quốc tế; ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ; ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thái Nguyên.
Về phía lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có Chủ tịch Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Phạm Huy Hùng, Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Từ...
Tham dự hội thảo còn có một số nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cùng hàng chục cơ quan báo, đài của Trung ương.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME khẳng định: Với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh đã phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động và đã có những đóng góp quan trọng, nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam. Nhiều thương hiệu Việt không chỉ chinh phục thành công thị trường nội địa mà còn vươn xa, khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài, trở thành niềm tự hào Việt Nam.
Có được thành công trên, theo Chủ tịch VINASME, phải kể đến vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà ở đó mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; điều tra, khảo sát, nắm chắc thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường; thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng.
Đánh giá kết quả tích cực của Cuộc vận động, ông Tô Hoài Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết, sau 10 năm thực hiện và triển khai Cuộc vận động, nhận thức của người dân nước tay đã thay đổi rõ rệt. Cụ thể, 88% người dân Việt Nam quan tâm đến Cuộc vận động, 67% xác định mua hàng Việt, 52% khuyên người thân mua hàng Việt, 36% chuyển từ hàng ngoại sang hàng Việt.
Cuộc vận động cũng ghi nhận nhiều mô hình điển hình tốt như nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp; Hình thành câu lạc bộ, nhóm "ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Liên kết giữa DN với nông dân; Phát triển hệ thống phân phối; Quảng bá hàng Việt gắn với du lịch, văn hóa, lễ hội, hội thảo khoa học...
Những rào cản tác động đến chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn, hạn chế, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân nói: Hạ tầng bán lẻ như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn, trong khi thị trường rộng lớn ở nông thôn, miền núi mạng lưới chợ còn quá mỏng, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng còn nhiều hạn chế, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh do giá bất động sản cao... Đó chính là những khó khăn, trở ngại lớn làm hạn chế đến kết quả thực hiện Cuộc vận động thời gian qua", ông Thân nhìn nhận.
Cho rằng việc tăng cường tiêu dùng hàng nội địa gặp nhiều khó khăn và thách thức, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Verig cho biết, trong nhiều năm qua, nhiều DN Việt Nam phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ những sản phẩm và hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý "sính ngoại", ưa chuộng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài ngay cả khi cùng một loại sản phẩm được sản xuất nội địa với chất lượng tương đương và giá còn "mềm" hơn. Những rào cản này đã tác động không nhỏ đến chủ trương đúng đắn của Nhà nước là "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trên góc độ doanh nghiệp, đề cập tới thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa và nền thương mại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, hiện nay các trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn của Việt Nam đến 90% là do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ và chi phối. Các trung tâm thương mại nội địa thì gần như không có người thuê mặt bằng để bán hàng do giá cho thuê mặt bằng cao. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam sẽ khó khăn khi đưa ra thị trường vì mẫu mã, hình thức và chất lượng không bằng hàng nhập khẩu, trong khi giá thành sản xuất lại cao hơn hàng nhập, cũng như chi phí marketing, bán hàng... đều cao.
Với phân tích này, ông Đường cho rằng, "nếu không có địa điểm tốt cho các DN Việt giới thiệu và bán các sản phẩm của mình thì họ sẽ rất khó tồn tại và phát triển, nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản là rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa".
"Hiến kế" giải pháp đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt
Trong phần thảo luận bàn về giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết - hành động vì hàng Việt, tiến tới đạt mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt, dưới sự điều hành của Chủ tịch VINASME, hội thảo đã ghi nhận một loạt các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất từ phía các nhà khoa học, luật sư và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật sư Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháo luật và phát triển nguồn nhân lực (VINASME) kiến nghị cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ cụm liên kết ngành, nâng cấp chuỗi giá trị. Theo đó, các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư nhằm nâng cấp chuỗi giá trị trong thời gian tới cần đặt trọng tâm vào thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị và dựa trên nhu cầu thực tế được cập nhật thường xuyên. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nên được thiết kế trong mối quan hệ tổng thể với các chính sách khác và gắn với kết quả cuối cùng là nâng cấp chuỗi giá trị. Ngoài ra, chính sách này cần tăng cường kết nối chuỗi giá trị và kết hợp khai thác được lợi thế vùng...
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, Chính phủ, các hiệp hội thương mại cần phổ biến chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" một cách rộng rãi và quyết liệt hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối hàng Việt.
"Đặc biệt, các DNNVV và những DN tiên phong trong việc sản xuất và phân phối hàng Việt cần được hỗ trợ về tài chính. Chính phủ và Quốc hội cần đưa ra những quy định để điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng, một kênh tài chính mới mẻ nhưng có thể bổ sung hiệu quả cho hệ thống ngân hàng vốn đã bị quá tải", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Hội thảo thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đưa ra kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; tăng cường xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Đường đề xuất, để DN Việt Nam tồn tại và phát triển được thì một trong những điều kiện quan trọng là cần phải có địa điểm cho DN giới thiệu và bán sản phẩm họ sản xuất ra. Mỗi tỉnh, huyện cần có ít nhất 1 trung tâm thương mại để bán các mặt hàng thiết yếu do các DN Việt Nam sản xuất ra.
"Trung tâm thương mại, siêu thị ở tỉnh cần có 1.000 m vuông, là tài sản của người Việt Nam, trong đó bán hàng Việt là chủ yếu. Các trung tâm thương mại này miễn phí tiền thuê mặt bằng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt và người nông dân làm ra sản phẩm, tạo được sức cạnh tranh", ông Đường nêu ý kiến.
Với ý tưởng này, Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ đầu tư xây dựng, vận hành, bảo hành, bảo trì và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với các trung tâm thương mại này. Hòa Bình sẽ kết hợp với các công ty kinh doanh siêu thị và thương mại chuyên nghiệp trong nước để kinh doanh các trung tâm thương mại này.
Ngoài ra, Công ty Hòa Bình sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, huyện và các hiệp hội ngành nghề, sản phẩm để hỗ trợ sản xuất hàng hóa và thu mua hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch Mạng lưới Happy Women Leader Network bày tỏ mong muốn có cơ hội được tham gia nhiều sự kiện, diễn đàn như hội thảo này để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; mong muốn đồng hành cùng các chương trình xúc tiến thương mại do VINASME tổ chức và giới thiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp.
Cảm ơn những đóng góp chân thành từ phía các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, ông Hầu A Lềnh khẳng định, sau 10 năm thực hiện và triển khai Cuộc vận động, cộng đồng DN đã có nhiều cố gắng và lớn mạnh, theo đó hàng hóa và dịch vụ đã lan tỏa cả trong và ngoài nước.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của các đại biểu, ông Hầu A Lềnh cho biết, những kiến nghị này rất xác đáng. Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ cố gắng đa dạng hình thức tuyên truyền về cuộc vận động để đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng cũng như đổi mới về hình thức và nội dung tuyên truyền để người dân và DN có thể tiếp cận tốt nhất, qua đó góp phần nhiều hơn nữa vào việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam yêu cầu VINASME tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp thành viên lên TƯ MTTQ Việt Nam, đồng thời tổ chức các sự kiện hội thảo, diễn đàn nhiều hơn và thiết thực hơn để cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội bày tỏ khó khăn, đề xuất kiến nghị giúp tháo gỡ khó khăn và rào cản nhằm phát huy cao nhất được tiềm năng, sự sáng tạo và nguyện vọng được cống hiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao