Kinh nghiệm khởi nghiệp của thanh niên Bình Phước
Với quan niệm khởi nghiệp cần chuẩn bị về kiến thức và kinh nghiệm, nhiều người đã chọn cách đi làm thuê để am hiểu lĩnh vực quan tâm rồi mới bắt đầu khởi nghiệp. Đó là lý do nhiều bạn trẻ ở Bình Phước tốt nghiệp đại học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sẵn sàng bỏ công việc với mức lương cao, ổn định tại các thành phố lớn hay cơ quan nhà nước về quê làm nông nghiệp.
Học trước làm sau
Ở tuổi 30, Nguyễn Văn Huy đã là chủ trang trại rau và hoa Phúc Gia Huy ở tổ 49, ấp 4, xã Tân Lập (Đồng Phú). 12 năm gắn bó với nghề trồng rau và hoa nhưng có đến một nửa thời gian anh đi làm thuê cho các trang trại trồng rau, hoa lớn tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi tích lũy được kinh nghiệm, anh trở về Bình Phước khởi nghiệp.
Anh Huy cho biết trồng hoa rất khó, khởi nghiệp ở lĩnh vực này nếu không có kiến thức, kỹ thuật thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Chính kinh nghiệm nhiều năm làm thuê cho các trại hoa ở Đà Lạt đã giúp anh hiểu rõ đặc tính của từng loài để áp dụng trồng thành công tại Bình Phước.
Làm nông nghiệp thời 4.0 ngoài đức tính cần cù, những người muốn khởi nghiệp phải theo hướng chuyên nghiệp với sự học hành, đầu tư bài bản. Tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai tại Trường đại học Nông Lâm Tp.HCM, nhưng Phạm Văn Lượng (32 tuổi) ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng (huyện Phú Riềng) không chọn thành phố mà trở về quê đầu tư chăn nuôi bài bản, khoa học theo chuỗi khép kín để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng 4 sào đất trồng cây nông nghiệp không hiệu quả của gia đình, anh cải tạo lại và trồng giống cỏ cao sản VA06, xây dựng chuồng nuôi bò theo mô hình VietGAP. Ban đầu, anh nuôi 1 bò mẹ và 10 con bò giống, vừa nuôi vừa học tập kinh nghiệm từ thực tế và tìm tòi trên internet, sách báo. Chỉ khi làm thì mới hiểu hết những khó khăn. Bò mẹ nuôi 1 năm không đẻ, 3 con bò giống đang khỏe mạnh bỗng chết chẳng rõ nguyên nhân.
“Thất bại không làm tôi nhụt chí. Tôi tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi thành công, đầu tư xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, mở rộng diện tích trồng cỏ voi cao sản nuôi bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 40 con, có thời điểm 50 con”, anh Lượng chia sẻ.
Tạo môi trường thuận lợi
Để phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất, việc tạo môi trường thuận lợi chính là đòn bẩy để thu hút người trẻ mạnh dạn tham gia. Không để thanh niên “tự bơi”, những năm gần đây, các cấp, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Phước đã quan tâm xây dựng hệ sinh thái cho người trẻ khởi nghiệp bằng những việc làm cụ thể, như: Thành lập hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập Quỹ Khởi nghiệp tỉnh; xét duyệt, hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp... Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất. Từ đó, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, bước đầu đem lại thành công.
Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đoàn hỗ trợ 3 ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp cho thanh niên thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động cho HTX Bầu trời xanh Tourist, HTX Thương mại - dịch vụ Thanh niên huyện Lộc Ninh. Hỗ trợ thành lập mới 2 THT, 1 HTX, nâng số lượng tổ hợp tác, HTX toàn tỉnh lên 39 THT và 4 HTX thanh niên với gần 300 thành viên.
Đồng thời, tỉnh đề nghị Quỹ Khởi nghiệp tỉnh xét duyệt 4 đề án khởi nghiệp và đã thông qua 2 dự án với số vốn vay 400 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ Khởi nghiệp tỉnh đã làm việc với 15 khách hàng thanh niên có nhu cầu vay vốn và tiếp nhận 5 hồ sơ đủ điều kiện vay…
Với những lợi thế vô cùng to lớn đó, vấn đề còn lại là thế hệ trẻ phải nắm bắt thời cơ để có thật nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công, trở thành tỷ phú trẻ trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo