Thị trường

Kinh tế Việt Nam nhảy vọt về năng lực cạnh tranh: 'Trái ngọt' của sự nỗ lực bền bỉ

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã cho thấy sự tiến bộ vượt trội của Việt Nam khi tăng tới 10 bậc về năng lực cạnh tranh.

Với việc tăng 10 bậc, năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 67 trong 141 nền kinh tế thế giới.

Trong bài viết có nhan đề "Nỗ lực bền bỉ và tăng hạng ngoạn mục", tờ Lao động bình luận, đây là kết quả tích cực ghi đậm dấu ấn từ những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ban ngành về đơn giản hóa thủ tục kinh doanh trong thời gian qua. Vị trí thứ 67 cũng là vị trí cao nhất mà Việt Nam từng đạt được.

Với việc tăng 10 bậc, năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 67 trong 141 nền kinh tế thế giới

Cũng viết về nội dung này, tờ Thời báo Ngân hàng đã dẫn số liệu cụ thể cho biết số điểm hiện tại của Việt Nam là 61,5 - tăng 3,5 điểm so với năm ngoái, trở thành nền kinh tế có mức tăng cao nhất về điểm số trên thế giới trong năm nay. Và khi đưa ra đánh giá này, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng nhìn nhận Việt Nam đang là nền kinh tế thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Cũng theoThời báo Ngân hàng, Báo cáo của Diễn đàn kinh tế giới dựa trên 12 trụ cột với 103 chỉ số thành phần. Tại đây đặc biệt là chỉ số về lạm phát ổn định của Việt Nam đạt điểm cao tuyệt đối. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, đây là kết quả của sự kiên định điều hành lấy ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu, và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong điều hành cộng hưởng với nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong khi đó trên bài viết trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định, có được kết quả này là nhờ nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ thời gian qua.

Đó là nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do; cắt giảm, đơn giản hóa một nửa điều kiện kinh doanh; thực hiện Chính phủ điện tử. Ông Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.

Theo PV/VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo