Thị trường

Lâm Bình, Tuyên Quang: HTX tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới

Những thành công trong xây dựng nông thôn mới đang giúp nhiều vùng quê nghèo của huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) 'thay da đổi thịt', hệ thống hạ tầng dần hoàn thiện, cảnh quan nông thôn đổi mới, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Ma Ngọc Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lâm Bình, cho biết: “Gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện đã kiên cố hóa 191,6 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp 45 công trình đầu mối, kiên cố hóa 84,5 km kênh mương, xây mới 5 nhà văn hóa xã… giúp các làng quê từng bước đổi mới, khang trang”.

Nông thôn “khoác áo mới”

Năm 2015, với những tiến bộ vượt bậc trong kinh tế, xã hội, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) là một trong 7 xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn NTM.

Sau gần 4 năm về đích, bộ mặt nông thôn xã Thượng Lâm đã có những chuyển biến mạnh mẽ, với 100% trục đường xã, liên xã, trên 95% đường trục thôn và liên thôn và hơn 7km đường nội đồng được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi cũng đã được hoàn thiện để phục vụ tưới tiêu cho 153ha lúa 2 vụ.

Thu nhập bình quân ở Thượng Lâm hiện đạt hơn 34 triệu đồng/người/ năm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thượng Lâm cũng đang phát huy rất tốt thế mạnh về du lịch, với những điểm du lịch homestay hấp dẫn bậc nhất của tỉnh. Kể từ đầu năm 2019, xã đã đón hơn 1.000 lượt khách tham quan.

Đến nay, huyện Lâm Bình đã có 3 xã về đích NTM, số tiêu chí NTM bình quân tại các xã cũng liên tục tăng lên. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh đến từ sự ủng hộ, đồng hành của người dân địa phương.

Điển hình, trong năm 2018, xã Lăng Can đạt chuẩn NTM. Trong quá trình xây dựng đã có hơn 80 hộ gia đình hiến hơn 4.000m2 diện tích vườn đồi cùng nhiều cây cối trên đất.

“Dù là huyện nghèo, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng trong 10 năm xây dựng NTM, người dân Lâm Bình đã đóng góp hơn 7,87 tỷ đồng”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lâm Bình Ma Ngọc Trường cho hay.

Sự phát triển của HTX là lực đẩy trong xây dựng NTM huyện Lâm Bình

Bên cạnh sự đồng hành của người dân địa phương, đóng góp của khu vực kinh tế HTX cũng là nhân tố quan trọng giúp quá trình xây dựng NTM tại Lâm Bình có chuyển biến tích cực.

Lực đẩy từ HTX

Thống kê đết tháng 9/2019, toàn huyện Lâm Bình có 24 HTX hoạt động, trong đó có 5 HTX mới được thành lập trong 9 tháng đầu năm. Các HTX đang đóng vai trò kết nối, dẫn dắt người dân trong sản xuất, trực tiếp hoàn thành tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất).

Được thành lập từ đầu năm 2019, HTX Quang Minh (xã Hồng Quang) đang hình thành được một chuỗi liên kết sản xuất cá khô đặc sản. Cá khô đặc sản Lâm Bình hiện đã được đăng ký nhãn hiệu, có bao bì đóng gói và đang hoàn thiện việc chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất.

Anh Đàm Văn Biểu – Giám đốc HTX Quang Minh, cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 60 – 100kg cá khô các loại, giá bán dao động từ 140 – 300 nghìn đồng/kg tùy theo loại cá. Dù còn nhiều khó khăn, HTX đang bước đầu tạo thu nhập ổn định cho thành viên”.

Có thời gian hoạt động dài hơn, HTX Thổ Bình (xã Thổ Bình) đang liên tục gặt hái thành công. Kể từ năm 2013 đến nay, HTX luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong 2 năm 2017 và 2018, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Hiện tại, HTX đang là đơn vị bao tiêu chính của người trồng lạc tại 2 huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, với sản lượng bình quân 90 – 100 tấn/vụ, giá bán ổn định ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg. HTX cũng đang thực hiện dịch vụ sấy lạc khô làm giống để cung cấp cho người nông dân trong và ngoài huyện.

Theo Nhật Minh/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo