Luật Giao thông đường bộ 2008 đã thành ‘manh áo chật’
Hà Nội ra mắt trang nông sản an toàn / TP.HCM: Đã cho người thu nhập thấp vay 120 tỷ đồng xây nhà
Đây là nhấn mạnh của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự án Luật GTĐB (sửa đổi) do VCCI phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 27/8.
Tồn tại nhiều bất cập
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Luật GTĐB 2008 bao gồm 8 chương, 89 điều, được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.
Qua gần 10 năm triển khai, luật đã là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hạn chế tai nạn giao thông, cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, với sự phát triển rất nhanh của nền kinh tế Việt Nam, lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn được coi là một trong những “nút thắt” của nền kinh tế. Biểu hiện cụ thể, chi phí vận tải của Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm cao trong khu vực. Trong đó, năng lực vận tải đường bộ và khả năng kết nối đường bộ với những hình thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng không vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, số người chết vì tai nạn giao thông của Việt Nam trong thời gian qua tuy có giảm, song vẫn ở mức cao trên thế giới…
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thiện Trần |
Bên cạnh đó, đánh giá từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Trịnh Thị Hằng Nga – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cũng thừa nhận, một số chính sách về GTĐB chậm được ban hành hoặc khi ban hành được đã không còn phù hợp với thực tế; quy định vừa mới được áp dụng đã phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tạo nên áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước, người thực thi công vụ cũng như các đối tượng chịu tác động…
Ngoài ra, các hình thức kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải còn chưa phù hợp với thực tế, chưa bao quát được khung pháp lý cho các hình thức vận tải ứng dụng công nghệ thông tin phát sinh. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về GTVT chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý vận tải tại các địa phương còn hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ…
Cần sửa luật có tính mở cao hơn
Đồng tình với những nhận xét đánh giá trên, từ phía doanh nghiệp, hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đưa ra ví dụ cụ thể về những tồn tại, bất cập của Luật GTĐB 2008. Chẳng hạn, Luật GTĐB 2008 quy định 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và 4 loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.
“Trong quá trình triển khai thực hiện Luật GTĐB 2008 đã cho thấy có nhiều bất cập trong việc phân loại các hình thức kinh doanh vận tải này. Thực tế cho thấy, hoạt động vận tải hành khách theo quy định hiện nay có sự chồng chéo giữa các loại hình vận tải. Ví dụ như có sự chồng chéo giữa loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe hợp đồng, giữa xe taxi với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự thị trường vận tải, mà hệ lụy là tình trạng “bến cóc, xe dù” hoạt động nở rộ tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn” – ông Thanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Kính – Phó Giám đốc hãng taxi VIC chia sẻ thêm, hiện nay, nhiều hình thức vận tải mới ứng dụng công nghệ thông tin phát sinh (như taxi grab) chưa có quy định trong Luật GTĐB 2008… đang tạo nên những sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và “taxi công nghệ”.
Cụ thể, theo phân tích của ông Kính, taxi truyền thống phải chịu sự ràng buộc hết sức chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước (do ngành vận tải hành khách bằng taxi là một trong số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện).
Trong khi đó, taxi grab thì bản chất kinh doanh giống như hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống, tức là dùng ô tô đón khách từ nơi này đến nơi khác (nếu có khác thì duy nhất một điều là taxi grab điều xe qua phần mềm điện thoại thông minh, còn taxi truyền thống điều xe qua đàm), nhưng lại không phải chịu sự quản lý của các các cơ quan nhà nước như taxi truyền thống…
Trước những vướng mắc, bất cập còn tồn tại của Luật GTĐB 2008, đa số ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng, việc sửa Luật GTĐB là cần thiết và cấp thiết.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Quang Phòng, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 với sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc sửa Luật GTĐB cũng cần đặt trong bối cảnh mới. Theo đó, luật cần phải được xây dựng có tính mở cao hơn, để không bó chặt khả năng sáng tạo, khả năng cải tiến về công nghệ và quy trình quản lý…./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương