Năng lực sản xuất của Việt Nam ngày càng được doanh nghiệp Canada quan tâm
DNVN - Với lợi thế cạnh tranh do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi mà hiệp định CPTPP đem lại, các doanh nghiệp (DN) Canada ngày càng quan tâm và có nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của Canada, Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá thành phù hợp.
Bàn cách gỡ khó về tổng cung, tổng cầu / Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn
Tiềm năng lớn
Tính hết tháng 11/2022, theo số liệu của Canada, tính cả trung chuyển qua Mỹ, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) sang Canada 9,24 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức tăng trưởng XK cao, hiện Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada, còn Canada là thị trường XK lớn thứ 10 của Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực thương mại, Canada là 1 trong 13 đối tác toàn diện của Việt Nam và là 1 trong những đối tác trọng điểm của Việt Nam trong chiến dịch chuyển đổi năng lượng và phát triển những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
Đánh giá về cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường này, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, cuối năm 2022 Canada đã chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, trong đó định vị ASEAN là trung tâm của khu vực và mong muốn kí kết FTA Canada - ASEAN. Đồng thời nâng cấp quan hệ với ASEAN lên cấp đối tác chiến lược.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada.
"Với việc Canada có những cam kết rõ ràng về chính trị, quân sự, ngoại giao ở khu vực như vậy đã tác động mạnh đến điều chỉnh chiến lược đầu tư, kinh doanh của các DN Canada. Và trong chiến lược này, Việt Nam có một số lợi thế rõ ràng", Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada nhấn mạnh.
Cụ thể, Việt Nam được hầu hết các DN đánh giá là cửa ngõ hợp lý để đi vào khu vực như ưu thế về vị trí địa lý, thị trường, lao động, hạ tầng và sự ổn định chính trị - xã hội".
Cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), APEC và đặc biệt là giữa hai nước đã sớm thiết lập được cơ chế ủy ban hỗn hợp kinh tế để trao đổi định kỳ các vấn đề và triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại.
Cộng đồng người Việt ở Canada hiện có khoảng trên 300.000 người, là cộng đồng người châu Á lớn thứ tư tại Canada, hội nhập rất thành công và khá gắn bó với đất nước. Số sinh viên theo học tại đây ngày càng tăng, là cầu nối không chỉ về mặt văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật mà cả về kinh tế, thương mại.
Gần đây, hai nước bắt đầu khai thác tuyến tàu container trọng tải lớn, chạy thẳng từ Hải Phòng đi Vancouver giúp thời gian vận chuyển giảm còn 17 ngày, giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chính phủ và DN Canada nhận thức rất rõ yêu cầu dịch chuyển sản xuất và nguồn cung trong bối cảnh chiến tranh Mỹ - Trung không hạ nhiệt cũng như quan hệ Canada và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng.
Canada đang đầu tư công rất lớn để cải thiện hạ tầng giao thông nội địa với 100 tỷ USD giai đoạn 2017 - 2027 để nâng cấp hạ tầng cảng biển, giúp giảm giá thành và thời gian vận chuyển giữa hai bờ Thái Bình Dương.
Đặc biệt, với lợi thế cạnh tranh do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi mà CPTPP đem lại, các DN Canada ngày càng quan tâm và có nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của Canada, Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá thành phù hợp.
Chi phí đưa hàng lên kệ đắt đỏ
Bên cạnh những lợi thế và cơ hội còn có những rào cản đáng kể cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu sang Canada. Trong đó, đáng chú ý là chi phí đưa hàng lên kệ ở Canada đắt hơn tất cả các nước G7 do tốn kém chi phí marketing và vận chuyển. Chi phí tiếp cận thị trường bán lẻ ở Canada cũng cao hơn 10% so với các thị trường khác. Ví dụ chi phí lên kệ ở Mỹ chỉ 18% thì chi phí này ở Canada lên tới 28%. Thời gian chậm trả mà các chuỗi bán lẻ Canada áp dụng cho các nhà sản xuất và phân phối cũng rất khắc nghiệt từ 90 ngày cho đến 6 tháng. Hàng hóa chịu sức ép cạnh tranh cũng như thị hiếu của người tiêu dùng nên vòng đòi chuỗi sản phẩm ở Canada rất ngắn.
Là nước có độ mở kinh tế cao, Canada luôn theo đuổi chính sách tỷ giá thấp so với đồng USD để khuyến khích xuất khẩu. Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam báo giá bằng đồng USD, do đó khá bất lợi cho DN.
Một trong những rào cản với DN Việt Nam là chi phí đưa hàng lên kệ Canada rất đắt đỏ.
Canada cũng tham gia rất nhiều vào các FTA song phương và đa phương khác nhau. Vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng mặt hàng và có lợi thế về thuế quan nên hàng hóa của Việt Nam dễ bị thay thế ngay cả khi đã vào được thị trường.
Ngoài ra, còn có những yếu tố không hỗ trợ khả năng tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường khác như yếu tố lạm phát và suy thoái kinh tế hiện nay đang quyết định tiêu cực đến chi tiêu của người dân.
Sau COVID-19, năng suất lao động thấp và tình trạng thiếu nhân lực vẫn diễn ra trầm trọng trong lĩnh vực vận tải và bốc dỡ container làm cho các đơn hàng mới bị chậm...
Hỗ trợ DN khai thác lợi thế từ CPTPP
Từ phân tích về điểm mạnh - yếu, cơ hội và nguy cơ, theo bà Trần Thu Quỳnh, trong năm 2023, thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN khai thác lợi thế mà CPTPP mang lại. Qua đó giúp gia tăng XK các mặt hàng Việt Nam vốn có thế mạnh vào thị trường như dệt may, da giày, nội thất. Cụ thể, thương vụ sẽ tổ chức các đoàn về nước mua hàng, các hoạt động xúc tiến giao thương trực tuyến, các hội thảo phố biến cách thức tận dụng lợi thế của hiệp định cho DN hai bên.
Nhiều mặt hàng công nghiệp nội địa của Việt Nam như đèn chiếu sáng, dây cáp điện, đồ chơi, giấy các-tông, cửa cuốn và các sản phẩm nội thất, chăm sóc thú cưng đang có tiềm năng tăng trưởng rất tốt tại Canada.
"Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada cũng là 30 năm cơ quan thương vụ Việt Nam tại Canada, đánh dấu 5 năm tròn thực thi CPTPP, chúng tôi sẽ nỗ lực để khai thác tối đa những lợi thế này để quảng bá hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam, giới thiệu các tiềm năng hợp tác để kết nối sản xuất, kết nối đầu tư, công nghệ và thương hiệu giữa hai quốc gia nhằm tạo ra chuỗi giá trị cao hơn", Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada nói.
Thương vụ cũng chú trọng giới thiệu các cơ hội tham gia mua sắm Chính phủ, đấu thầu Chính phủ và hợp tác công tư ở nước ngoài, các cơ hội xuất khẩu dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cho ra mắt cổng thông tin điện tử song ngữ của thương vụ mang tên "Cánh cửa đầu tư kinh doanh vào Canada" nhằm cung cấp và cập nhật kịp thời thông tin thị trường cho doanh nghiệp hai bên.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo