Ngân hàng nào cho vay bất động sản "khủng" nhất?
Dự báo năm 2023, phân khúc đất nền ở Đà Nẵng và vùng phụ cận giảm mạnh / Nhiều rào cản phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo tài chính quý IV/2022 và tiết lộ từ lãnh đạo các nhà băng cho thấy phần nào bức tranh tín dụng bất động sản năm vừa rồi. Bên cạnh các nhà băng duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ ở mức dưới 30%, có đơn vị ghi nhận tỷ lệ này trên 70%.
Ngân hàng nào cho vay bất động sản "khủng" nhất?
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Techcombank không hé lộ dư nợ cho vay bất động sản cá nhân tại nhà băng này trong năm 2022 nhưng theo tiết lộ của lãnh đạo Techcombank tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mới đây, chỉ tiêu này là 190.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021. Cụ thể hơn, Techcombank hỗ trợ 46.000 khách hàng mua nhà, dư nợ bình quân mỗi khách hàng hơn 4 tỷ đồng. "Gần 70% khách hàng tài trợ mua nhà đều nhận được nhà bàn giao để sử dụng, sửa chữa", vị này nói.
Còn dư nợ cho vay bất động sản với các tổ chức kinh tế được thể hiện trên báo cáo tài chính là 108.906 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng dư nợ và tăng gần 13.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng dư nợ trên báo cáo tài chính của nhà băng này đến hết năm 2022 là 420.523 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính con số lãnh đạo ngân hàng công bố và số trên báo cáo tài chính, dư nợ cho vay bất động sản nói chung tại Techcombank chiếm 71% tổng dư nợ. Techcombank cũng là nhà băng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao nhất tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Dân trí.
Thực tế, nhiều năm nay, Techcombank vẫn là một trong những "ông lớn" trong mảng cho vay bất động sản. Theo như lời của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngân hàng này "toàn tâm toàn lực cho lĩnh vực bất động sản".
Các nhà băng đang cho vay bất động sản bao nhiêu?
Báo cáo tài chính của BIDV cũng không hé lộ con số cho vay bất động sản, nhưng theo Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm tại hội nghị tổng kết ngày 8/2 vừa qua, đến hết năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Nhà băng này cho biết năm qua tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân với 217.000 tỷ đồng. "Chúng tôi vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này", ông nói.
Còn tại Vietcombank, "quán quân" nhiều năm liền về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng, theo tiết lộ của Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng, năm qua, dư nợ bất động sản tại ngân hàng này chiếm trên 20%, gồm cả cho vay doanh nghiệp và khách hàng cá nhân mua bất động sản. Tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%. Ông Tùng cũng khẳng định tại Vietcombank, "bất động sản là lĩnh vực không bị hạn chế".
Chi tiết hơn, tại Vietcombank, hiện dư nợ cho vay bất động sản đối với cá nhân khoảng 90% tổng tín dụng cho bất động sản. 10% còn lại là cho vay doanh nghiệp bất động sản, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Đối với lĩnh vực bất động sản du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vietcombank nhận định du lịch trong nước và quốc tế đã phục hồi nên năm 2023 sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế. Chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản uy tín để cho vay", ông Tùng nói.
Còn với bất động sản nhà ở, trong năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đối với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch sẽ áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý còn đối với cá nhân mua nhà ở sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp bất động sản, cần có sự ngồi lại làm việc của cả ngân hàng và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Hữu Nghị).
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, "ngành ngân hàng kỳ thị doanh nghiệp bất động sản", nhưng thực tế là doanh nghiệp bất động sản khó khăn thì ngành ngân hàng "như ngồi trên đống lửa".
"Chúng ta đang trên một chiếc xuồng, cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm. Chúng tôi mong muốn hành động cùng các anh chị để cùng vượt qua khó khăn hiện nay", lãnh đạo VietinBank nói.
Đến hết năm 2022, theo tiết lộ của ông, VietinBank dành hơn 21% tổng dư nợ là cho lĩnh vực bất động sản, còn lại gần 80% dư nợ phải chia cho hơn 1.000 ngành nghề khác.
Tại MB, dư nợ cho vay bất động sản đến hết năm 2022 là 21.358,8 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái, những năm qua, MB dành khoảng 8% dư nợ hàng năm để cho vay bất động sản. "Chúng tôi nhất quán lựa chọn phân khúc có nhu cầu ở các thành phố lớn, tập trung cho sản phẩm có nhiều nhu cầu sử dụng. Chúng tôi cũng thực hiện không siết cho vay bất động sản", ông Thái thông tin.
Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)
Tại VPBank, theo báo cáo tài chính quý IV/2022, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản là 67.593 tỷ đồng, ngoài ra, dư nợ cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở là 82.922 tỷ đồng. Tổng dư nợ 2 hoạt động này là 150.515 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng dư nợ ngân hàng.
Tại SHB, dư nợ cho vay bất động sản là 31.493 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 6,75% tổng dư nợ cho vay tại đây.
Tại TPBank, chỉ tiêu này đến năm 2022 là 10.165 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay hoạt động xây dựng là 10.423 tỷ đồng. Tổng 2 chỉ tiêu này là 20.588 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng dư nợ.
Còn tại MSB, cho vay bất động sản và cơ sở hạ tầng là 10.387 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,6% tổng dư nợ tại đây.
Các CEO ngân hàng nói gì về cho vay bất động sản?
Ông Lưu Trung Thái đề cập đến câu chuyện khó khăn trong giải ngân một số dự án thiếu tính thanh khoản dù dự án có giá trị lớn.
Thứ nhất, ông cho rằng doanh nghiệp đã dễ dãi trong thiết kế tài chính. "Khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp chọn phương án dễ nhất để làm, không chọn phương án khó", ông Thái nêu.
Thứ hai là các doanh nghiệp bất động sản đã chọn điều kiện cho vay dễ, không ưu tiên dự án có pháp lý ở mức độ thấp dẫn đến rủi ro về sau.
Ngoài ra, nguồn cung cho thị trường bất động sản TPHCM vốn thiếu hụt. "Trong khi đó nhu cầu tại đây lớn, người dân đổ xô vào TPHCM để sống", ông Thái nói. MB hiện không muốn cho vay nhóm sản phẩm có giá trị cao vì cầu thấp.
Trong khi đó, đại diện Vietcombank lại cho biết thực tế hiện nay những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu xuất phát từ hệ lụy từ trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng vừa phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các quy chuẩn của Ngân hàng Nhà nước, vừa phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.
Còn Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank cho biết, ngân hàng ngoài đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn cũng là khó khăn của ngân hàng. "Ngân hàng cũng rất cần các doanh nghiệp đồng hành và thấu hiểu", ông Nguyễn Hoàng Dũng nói. Về đề xuất tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho ngành bất động sản, ông Dũng cho rằng, cần hết sức cân nhắc và thận trọng.
Phát biểu tại hội nghị tín dụng cho bất động sản mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp bất động sản, cần có sự ngồi lại làm việc của cả ngân hàng và doanh nghiệp.
"Đề nghị 2 bên ngồi lại, rà soát từng dự án để đưa ra phương án xử lý thấu đáo, khẳng định dự án nào cho vay được thì giải ngân, dự án nào không cho vay được thì chỉ rõ lý do", Phó thống đốc nói.
Theo số liệu thống kê tại các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất 5 năm qua.
"Hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn", bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nói trong cuộc họp mới đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo