Nông dân bỏ vốn, trồng bưởi thoát nghèo ở huyện Tân Lạc
Bưởi là đặc sản nổi bật nhất ở huyện Tân Lạc. Tháng 11- 12 hàng năm, người dân nơi đây lại bắt đầu thu hoạch bưởi. Bưởi Tân Lạc khi chín vỏ có mùi thơm đặc trưng với những tép bưởi căng mọng, ngọt được người tiêu dùng ưa thích.
Cây bưởi ở đây hợp đất, hợp khí hậu, được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật đang đem lại năng suất ổn định.
Huyện Tân Lạc có 2 HTX tham gia sản xuất, kinh doanh bưởi là HTX nông sản sạch Đông Lai và HTX sản xuất, chế biến bưởi đỏ Tân Lạc.
Tổng diện tích bưởi của huyện Tân Lạc đã tăng lên khoảng 1.046 ha. Bưởi được trồng tập trung ở các xã dọc quốc lộ 12B là Đông Lai, Thanh Hối, Mãn Đức, Tử Nê, Quy Hậu…
Hiện bưởi đỏ có thể trồng 200 cây/ha, trong thời kỳ kinh doanh cho thu từ 150 - 200 quả/cây, thu từ 30.000 - 40.000 quả/ha, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/quả, có thời điểm 30.000 đồng/quả.
Bưởi da xanh đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và đầu tư, giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/quả, có thời điểm 100.000 đồng/quả. Hiện giá trị thu nhập bình quân của bưởi đạt khoảng 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình biết đầu tư thâm canh có thể đạt cả tỷ đồng/ha.
Với giá trị kinh tế tiếp tục được khẳng định trong niên vụ này, cây bưởi hứa hẹn mang tới nguồn thu lớn cho hàng trăm hộ nông dân huyện Tân Lạc.
Gia đình ông Lê Văn Dung (SN 1954), xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc đang là người sở hữu trang trại bưởi da xanh quy mô lớn nhất ở Hòa Bình.
Năm 2013, ông Dung bỏ vốn mua hơn 1.000 gốc bưởi da xanh từ Bến Tre, 800 gốc cam canh để trồng với quy mô lớn. Tự học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc, bỏ nhiều mồ hôi, công sức... với chi phí đầu tư không hề nhỏ.
Một gốc bưởi da xanh của ông Dung quả sai trĩu trịt, ước chừng trên dưới 100 quả, trọng lượng trung bình trên dưới 2kg/quả, có những quả bưởi vượt kích cỡ nặng tới 4-5 kg.
Với 800 gốc cam canh đang rộ chín, ông Dung cũng dựng sào làm cột chống, buộc dây từng đầu cành để giúp cây giữ được sức nặng vì quá sai quả.
"Vườn bưởi này là thành quả cả đời tôi tâm huyết, từ việc tự mày mò để nghiên cứu loại phân bón cho cây vừa đảm bảo đủ chất, vừa đảm bảo quả sạch, đạt tiêu chuẩn. Nếu có chiếu xạ để kiểm tra, bưởi của tôi vẫn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài", ông nói.
Ông Dung cho hay, theo kinh nghiệm của ông, các năm tiếp theo, mỗi cây bưởi sẽ cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với năm đầu bói quả. Loài cây ăn quả này đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài xã Quy Hậu, Đông Lai cũng là một trong những xã nằm trong vùng trọng điểm bưởi của huyện Tân Lạc.
Xóm Đồng Tiến (Quy Hậu) có 67 hộ, nhà nào cũng trồng bưởi đỏ. Người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi hết sang trồng bưởi.
Diện tích bưởi của xóm đã đạt 20 ha, trong đó khoảng 16 ha cho thu hoạch. Nhiều người đã thuê đất, liên kết với các xã trong tỉnh đầu tư trồng bưởi.
Chưa thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng, nhờ vậy thu nhập của người dân sẽ tiếp tục được cải thiện.
Bưởi đỏ đang là cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã. Diện tích trồng bưởi đỏ của xã tăng nhanh. Đến nay đạt khoảng 168 ha, trong đó có 68 ha cho thu hoạch.
Huyện Tân Lạc đang định hướng cho các xã trồng bưởi theo quy hoạch, hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật, thực hiện đầu tư, thâm canh sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị của cây bưởi.
Bên cạnh đó, huyện cũng định hướng xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ bưởi đỏ, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng