Nuôi thỏ tiêu chuẩn Nhật Bản cho hiệu quả kinh tế cao ở Lai Châu
Người dân vùng cao Lai Châu trước đây vốn quen với việc nuôi thỏ thương phẩm và hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thế nhưng, hai năm trở lại đây mô hình nuôi thỏ để chiết xuất vacxin theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2018, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, Công ty dược phẩm Nip Ponzoki của Nhật Bản đã tới trang trại của anh Nguyễn Quang Thành, ở bản Nà Phát, xã Nậm Cần, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu để tìm hiểu và ký hợp đồng hợp tác.
Đây là mô hình nuôi thỏ chiết xuất vacxin đầu tiên tại địa phương và khi tham gia dự án này, các hộ nuôi thỏ như anh Thành sẽ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.
Anh Nguyễn Quang Thành vui mừng cho biết: Với nguồn thức ăn chủ yếu từ lá cây tự nhiên thì địa phương luôn sẵn có. Việc nuôi thỏ cũng đã từng được hộ gia đình anh và bà con trong bản nuôi nên khi tiếp cận với mô hình này cũng không gặp mấy khó khăn. Sau khi được các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật nuôi, bà con tiếp cận rất nhanh và bắt tay ngay vào thực hiện.
Từ 400 con thỏ giống ban đầu, đến nay đàn thỏ của nhóm hộ đã phát triển lên tới gần 2.000 con và khi bán để chiết xuất vacxin mỗi con đã cho thu lãi 2 - 2,5 triệu đồng.
"Trước tôi nuôi thử nghiệm từ năm 2017, con mẹ một năm cho thu khoảng 2 - 2,2 triệu đồng tiền lãi. Năm 2018 tôi bắt đầu mở rộng mô hình. Đến năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp huyện đã hỗ trợ được 800 con giống cho các hộ và nhóm hộ. Tôi mới nuôi đến tháng thứ 3 từ 400 con mẹ, nay đã được 1.100 con", anh Thành chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Cần có 2 nhóm hộ thực hiện mô hình nuôi thỏ theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản và toàn bộ số thỏ nuôi được đều đã được xuất khẩu sang Nhật Bản để nghiên cứu và chiết xuất ra vacxin phục vụ y học.
Do thỏ được nuôi để chiết xuất vacxin nên yêu cầu kỹ thuật và thức ăn nuôi hàng ngày cũng rất cao. Ngoài một số cám do nhà đầu tư cung cấp, các hộ nuôi phải thay nhau vào rừng lấy lá cây, trong đó có nhiều loại cây thảo dược mang về cho thỏ ăn. Ngoài ra, chuồng trại nuôi phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt nước uống cũng phải là nước sạch, đảm bảo vệ sinh.
Ông Nguyễn Hữu Thức, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cần, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Do không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại có thu lãi cao nên bà con rất hào hứng nhận nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn thỏ.
Mô hình này tuy mới, nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan cho bà con. Hiện có nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã, trong vùng cũng đã tìm về thăm quan, học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ từ mô hình này.
Mặc dù mới phát triển, nhưng mô hình chăn nuôi thỏ chiết xuất vacxin theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản đã cho thấy hiệu quả bước đầu nhờ bà con áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết thu mua.
Việc liên kết nhóm hộ, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo nên chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, giúp bà con ở địa phương tăng thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao