Quảng Nam: 9X khởi nghiệp bằng HTX trồng nấm
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Hồ Thanh Vỹ (sinh năm 1990) quyết định khởi nghiệp trồng nấm trên chính mảnh vườn quê nhà trở thành điều lạ lẫm trong mắt hàng xóm. Bằng sức trẻ, niềm tin cùng với hai người cộng sự là Trần Dương Tài và Tạ Quốc Việt (đều tốt nghiệp Đại học Bách Khoa), một trang trại trồng nấm đã ra đời.
Trồng nấm không khó
Khác với những người trẻ khác khởi nghiệp, trang trại của ba chàng trai tuy nhỏ nhưng vô cùng quy củ. Từ khu nhà xưởng, ghế, bàn đều tự tay Vỹ và các bạn làm.
Xác định khởi nghiệp từ cây nấm, Vỹ đã lặn lội vào Tp.HCM học tập bài bản suốt 2 tháng. Từ kinh nghiệm cá nhân của những ngày còn là sinh viên cộng với óc tư duy nhanh nhẹn, Vỹ huy động vốn từ gia đình, bạn bè và các đoàn thể tại địa phương để thành lập HTX.
Nói về quyết định khởi nghiệp này, Vỹ cho biết từ nhỏ, anh đã có tính tự lập nên ba mẹ cũng không phản đối. Điều khó khăn nhất cho đến lúc này đó là nguồn vốn và kinh nghiệm chăm sóc. Cứ mỗi lần thất bại, Vỹ lại lấy đó làm kinh nghiệm cho lần sau. Tuy nhiên để duy trì cần phải có vốn lớn để đầu tư tới cùng.
Toàn bộ khu xưởng rộng 250 m2 của HTX gồm khu đóng phôi, phòng cấy, kho, trại ươm... đều do cả nhóm tự tay thiết kế. Sau hơn một năm đi vào hoạt động ổn định, hiện nay, HTX đã xây dựng được những trại vệ tinh đảm nhận khâu thu hoạch thành phẩm.
Hiện, trại nấm của HTX sản xuất khoảng 4.000 bịch phôi giống/ tháng để phân phối cho một số trại vệ tinh.
Cây nấm không khó trồng nhưng đòi hỏi công đoạn nào cũng phải tỷ mỷ. Có lúc làm đợt một thành công nhưng đến lần hai, lần ba lại thất bại thê thảm. Vỹ khẳng định những lúc như thế không cho phép bản thân chán nản mà phải quan sát tìm nguyên nhân vì sao nấm chết.
Điều quan trọng nhất đối với các thành viên trong HTX những thời điểm vụ nấm “thất bát” không phải là doanh thu bao nhiêu mà chính là thu được bao nhiêu kinh nghiệm.
Trước khi khởi nghiệp phải đi buôn
Chia sẻ về quá trình trồng nấm, Vỹ cho biết điều lớn nhất mà anh rút ra được trong khởi nghiệp mảng nông nghiệp, đó chính là trước khi trở thành nhà sản xuất thì phải đi buôn.
Khi buôn nấm, có đại lý phân phối rồi đầu tư sản xuất thì đầu ra mới ổn định được, bởi thị trường nấm hiện nay cũng rất cạnh tranh với nhiều cơ sở cùng làm.
Vì vậy, HTX phân công 2 thành viên làm thị trường tại Tp.Đà Nẵng. Sau khi khâu sản xuất ổn định, việc tìm đại lý, mở rộng tiêu thụ là vấn đề khó khăn nhất. Giải quyết được điều này, không những trại nấm của HTX phát triển mà còn tạo được công ăn việc làm người dân trong vùng.
Khởi nghiệp nông nghiệp rất khó có thể làm một mình, nếu may mắn có cộng sự tốt sẽ giảm được 50% gánh nặng, khối lượng công việc. Những lúc nản chí thì còn có người động viên, khích lệ cùng nhau vượt qua khó khăn. Đó là những kinh nghiệm Vỹ thu lại được sau khi thành lập được HTX trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong chiến lược phát triển của HTX, Vỹ cho biết bên cạnh việc cung cấp nấm tươi để duy trì một phần đầu ra, HTX còn phát triển sản phẩm ruốc nấm.
Ngoài ra, “Là một HTX nông nghiệp, chúng tôi ưu tiên phát triển sản phẩm của quê hương mình. Duy Xuyên là vùng trồng sen nhưng người dân vẫn chưa có đầu ra ổn định. Ngoài nấm, chúng tôi sẽ “đánh” vào sản phẩm trà sen lá sen”, Vỹ cho biết.
Mới đây, HTX đã cho ra mắt trà thảo mộc lá sen. Đây là một sản phẩm mới được UBND tỉnh công nhận sản phẩm nằm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là OCOP.
Trà thảo mộc lá sen của HTX đang được tiêu thụ trên thị trường các tỉnh lân cận và HTX đang kêu gọi nhà đầu tư để phát triển sản phẩm này mạnh hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp