Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019: Năng lực cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo
Tại Hội thảo Kết thúc dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế” và giới thiệu Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Trưởng nhóm soạn thảo - Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết: Việc xây dựng Sách Trắng là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam. Sách trắng chỉ ra những nút thắt và các vấn đề bất cập chính cần phải được khắc phục ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và già hóa dân số.
Dự án do Hàn Quốc tài trợ và do Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc – UNIDO thực hiện từ năm 2016. Dự án là sự tiếp nối của chương trình hợp tác thành công giữa UNIDO và Bộ Công thương với sản phẩm là Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Công nghiệp Việt Nam năm 2011.
Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế” nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam thông qua đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp cấp ngành và tăng cường thực hiện các chính sách công nghiệp thúc đẩy các ngành ưu tiên và chuỗi giá trị.
Dự án đã giới thiệu và tập huấn cách sử dụng bộ công cụ “Tăng cường Chất lượng Chính sách Công nghiệp” – EQuIP (do UNIDO và GIZ của Đức xây dựng). Bộ công cụ EQuIP đưa ra các phương pháp chuẩn đoán công nghiệp và thiết kế chiến lược. EQuIP cung cấp một bộ công cụ phân tích dữ liệu công nghiệp, có tính đến cả khía cạnh xã hội và môi trường để xây dựng chính sách công nghiệp năng động dựa trên bằng chứng.
Phát biểu tại hội thảo kết thúc dự án và giới thiệu Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến ý nghĩa của Sách Trắng.
“Sách Trắng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp có được thông tin hữu ích về các ngành công nghiệp Việt Nam, và sẽ là công cụ hữu hiệu trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tham tán Thương mại của Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Kim Eui Joong khẳng định rằng: Chính phủ Hàn Quốc rất vui khi được chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của mình với Việt Nam.
“Chúng tôi chúc mừng Bộ Công Thương và UNIDO về sự hợp tác thành công với việc hoàn thành cuốn Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, với những kiến nghị tăng cường sức mạnh hiện tại trong khi khắc phục những thách thức, giúp đưa ra những giải pháp để tránh rơi vào bẫy nước thu nhập trung bình thấp, và định hướng phát triển hướng tới nền kinh tế công nghiệp hóa. Hàn quốc luôn sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam và đặc biệt với Bộ Công Thương", ông Kim Eui Joong phát biểu.
Đại diện quốc gia văn phòng UNIDO tại Việt nam, bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết: “UNIDO rất hân hạnh được cộng tác với Bộ Công Thương thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật góp phần củng cố hơn nữa năng lực xây dựng chính sách công nghiệp để thu hẹp những bất cập về thể chế và các nút thắt trong chính sách, nâng cao năng lực công nghiệp với trọng tâm là năng lực cạnh tranh ngành và phân tích chuỗi giá trị; và chia sẻ kinh nghiệm chính sách phát triển công nghiệp từ các nền kinh tế công nghiệp hóa như Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng bộ công cụ EQuIP và Nền tảng Phân tích Dữ liệu Công nghiệp (IAP) của UNIDO sẽ được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tiếp tục sử dụng để xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm, và đánh giá hiệu quả thực hiện dựa trên bằng chứng.”
Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, do Nhóm Công tác quốc gia với đại diện đến từ các bộ ngành khác có liên quan và đã được các chuyên gia của UNIDO tập huấn, là một minh chứng cho sự thành công của các hoạt động nâng cao năng lực của dự án. Qua đó, bà bày tỏ hi vọng rằng, bộ công cụ “Tăng cường Chất lượng Chính sách Công nghiệp” - EQuIP và “Nền tảng Phân tích Dữ liệu Công nghiệp” - IAP của UNIDO sẽ được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tiếp tục áp dụng để xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm và đánh giá hiệu quả thực hiện dựa trên bằng chứng. Những kiến nghị chính sách của Sách Trắng sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp của Chính phủ nhằm tăng cường vai trò của ngành chế biến chế tạo.
Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của UNIDO, Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14.3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%). Tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20.9%.
Chỉ số CIP của UNIDO có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách vì năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi cơ cấu và phát triển. Phát triển năng lực cạnh tranh sẽ có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh tế trong điều kiện nguồn lực đang khan hiếm trong khi vẫn tạo được sự thịnh vượng cho người dân. Vì vậy, UNIDO hy vọng những kiến nghị chính sách trong Sách Trắng sẽ được cân nhắc khi xây dựng các chính sách và chiến lược công nghiệp của Chính phủ nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của ngành chế biến chế tạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh