Sản phẩm HTX trụ vững nhờ thương hiệu
Tình trạng giá gà giảm sâu như hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn về đầu ra cho người chăn nuôi và các HTX chăn nuôi gà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công, Tiền Giang) cũng khó thoát khỏi tình trạng chung như vậy, lợi nhuận của các thành viên sụt giảm rõ so với trước đây.
Tuy nhiên, nhờ có thương hiệu độc quyền “Gà ta Gò Công” và ký hợp đồng ổn định với các doanh nghiệp ở Tp.HCM và một số thương lái ở tỉnh Long An, nên đầu ra của con gà của HTX được cho là cũng dễ dàng hơn, so với người chăn nuôi bên ngoài.
“Gà ta Gò Công”
Giải pháp “Gà ta Gò Công” (được lai tạo giữa gà nội địa và giống ngoại nhập từ Anh) của HTX Gò Công vốn nổi tiếng với mùi thịt thơm ngon, vị ngọt, từng đoạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII ( 2007 - 2008 ) và đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.
Nói về vật nuôi, như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kiệt - Giám đốc HTX Gò Công, HTX chỉ nuôi những con vật nuôi nào hợp với thị hiếu và khẩu vị người tiêu dùng. Vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và con người Gò Công là con gà ta.
Tại Gò Công có hai dòng gà ta được ngươìtiêu dùng ưa chuộng là gà ta vàng và gà chọi. Tuy nhiên hai dòng gà này có năng suất đẻ thấp (70 trứng/năm) không cung cấp đủ con giống cho người nuôi.
Sau một thời gian mày mò, HTX Gò Công đã lai tạo được giống gà mái đẻ có năng suất 180 trứng/năm, rồi đem lai với gà chọi tạo ra giống gà mới có tên thương hiệu “Gà ta Gò Công”. Với đặc điểm: Gà trống nuôi 100 ngày nặng 1,5 - 1,8 kg/con. Gà mái nuôi 120 ngày nặng 1,4 - 1,8kg/con và cung cấp đủ con giống cho người chăn nuôi.
Cách đây 7 năm, HTX cũng bắt đầu triển khai mô hình “Chăn nuôi gà ta Gò Công an toàn sinh học theo chuỗi giá trị”. Người chăn nuôi tham gia mô hình phải thực hiện đủ 31 tiêu chí đề ra để bảo đảm chất lượng gà sạch, ngon ra thị trường.
Với việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ của HTX, dù trong bối cảnh khó khăn chung của ngành chăn nuôi nội địa, giới chuyên gia đánh giá đây là một hướng đi đúng và bền vững với một thương hiệu chất lượng tốt, an toàn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng cũng như xu hướng hội nhập.
Một trường hợp khác ở HTX cũng tận dụng được công cụ sở hữu trí tuệ có thể kể đến, là HTX Bưởi Da Xanh Mỹ Thạnh An (xã Mỹ Thạnh An, Tp.Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Bưởi da xanh được giá
Hồi tháng 3 năm ngoái, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00062 đối với sản phẩm Bưởi da xanh Bến Tre. Bến Tre hiện có khoảng 6.500 ha bưởi da xanh, sản lượng hàng năm gần 100.000 tấn trái. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc HTX, khẳng định Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý chính là cơ hội để HTX hướng đến xuất khẩu bưởi Da Xanh Bến Tre. Với khả năng cung ứng ra thị trường 200 tấn/ năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX cũng đã và đang bắt tay tham gia chuỗi giá trị bưởi mà tỉnh Bến Tre xây dựng để hướng đến xuất khẩu.
Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, Bưởi da xanh Bến Tre ngày càng được giá. Không những vậy, nó còn giúp nhiều nông dân trong tỉnh vươn lên làm giàu khi trồng bưởi da xanh theo hướng an toàn nông nghiệp tốt (GAP) cho hiệu quả kinh tế cao.
Như trường hợp ông Đào Văn Minh ở ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) với 8 công đất trồng cây bưởi da xanh chuyên canh (đạt sản lượng hơn 30 tấn trái/năm) hiện thu lãi mỗi năm khoảng 1,1 - 1,3 tỷ đồng. Ông Minh đang là Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, thành viên HTX nông nghiệp Bến Tre, thành viên câu lạc bộ tỷ phú tỉnh Bến Tre.
End of content
Không có tin nào tiếp theo