Sinh viên làm thêm kiếm chục triệu đồng những ngày cận Tết
Ngân hàng thu nghìn tỷ đồng từ dịch vụ / Hoa đào lạ gần chục triệu mỗi cây săn khách chơi Tết
Đó là chia sẻ của một bạn sinh viên lựa chọn làm thêm dịp giáp Tết Nguyên đán khi các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu cho sinh viên nghỉ lễ sớm.
Làm giàu từ mạng xã hội
Đây là thời điểm tấp nập sinh viên tìm việc kiếm thêm thu nhập, khiến thị trường làm mùa vụ Tết càng sôi động. Nhiều sinh viên có thể kiếm được một khoản kha khá, chẳng những chi tiêu cho bản thân, mà còn có thể dư dả mua quà cho gia đình và để dành tiền chi cho việc học vào khoảng thời gian sau Tết.
Bạn Hà Mai Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ, hiện nay mọi người đều sử dụng mạng xã hội là nơi rất tốt để tận dụng kinh doanh. Từ một tháng nay, em đi tham khảo giá mua buôn của các loại hoa, quả, vàng mã… tại chợ đầu mối để chuẩn bị đăng bán theo ý tưởng “dịch vụ đi chợ online”.
Cụ thể hơn về ý tưởng buôn bán của mình, Mai Anh kể, sắp đến ngày lễ ông Công ông Táo, em đăng bán các mặt hàng như: chè con ong, xôi, thịt, giò, đồ vàng mã, hoa quả các loại, cá chép… đầy đủ tất cả các món phục vụ cúng bái trong gia đình, em đặt tên là “combo đồ lễ”.
Đối tượng khách hàng chủ yếu các chị gái, các bà mẹ do quá bận rộn công việc đi làm cuối năm nên em sẽ thay họ đi chợ và giao các mặt hàng đồ lễ tận nhà. Có nhà mua xôi, giò, hoa quả, đồ mã và cá chép; có nhà lại mua chè con ong, hoa quả và cá chép… tùy vào nhu cầu và sở thích của khách hàng để lựa chọn combo. Mỗi combo dao động từ 250.000- 500.000 đồng theo kích cỡ và yêu cầu thêm.
Vài ngày nay, phòng trọ của em chật kín đồ, chỉ đủ chỗ để nằm, góc bày hoa quả, góc lại chất đầy đồ vàng mã, chưa kể vài bao tải gạo nếp nhờ mẹ mua gửi từ quê lên cho rể để chuẩn bị thổi xôi và chè phục vụ cho công cuộc kiếm tiền của mình.
Không chỉ vậy, Mai Anh phấn khởi chia sẻ sẽ chỉ nhận các đơn hàng hết ngày hôm nay để có thời gian bắt tay vào chuẩn bị đồ lễ cho khách. Dự kiến bận nhất sẽ vào ngày 21-22-23 tháng Chạp, trung bình mỗi ngày em có khoảng hơn 50 đơn hàng ship đi các chung cư quanh Hà Nội, nên em phải thuê thêm ba bạn nam cùng lớp làm người giao hàng với kịp việc.
Dự định ngay sau khi kết thúc ngày lễ ông Công, ông Táo, Mai Anh sẽ bắt tay lên ý tưởng các combo sắm Tết bánh kẹo, mứt, gà, bánh chưng…
Đút túi chục triệu là chuyện dễ dàng
Với sở trường tháo vát và khéo léo, bạn Nguyễn Phương Thảo, sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội cũng tất bật sắp xếp lịch đi dọn dẹp nhà, trông trẻ, nấu cơm những ngày cuối năm. “Năm nay em được nghỉ sớm nên cũng tận dụng thời gian này đi làm giúp việc cho các gia đình.
Thường em đăng thông tin nhu cầu tìm việc hoặc tìm kiếm cơ hội trên các tróm nhóm Facebook như: hội sinh viên làm thêm Hà Nội; hội sinh viên làm thêm dịp Tết… không quá khó để tìm được công việc phù hợp với mức lương cao hơn ngày bình thường từ 3-5 lần.
Công việc chủ yếu của Phương Thảo là dọn dẹp, nấu cơm và trông trẻ con.
Giống như mọi năm, giúp việc theo giờ tại gia đình bắt đầu sẽ tăng giá từ ngày 20 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng, càng giáp Tết giá sẽ càng cao. Cụ thể hơn về công việc của mình, Phương Thảo chia sẻ, ngày thường, em đi làm giúp việc gia đình được trả 30.000- 40.000 đồng/giờ, vào thời vụ cao điểm sẽ được trả 50.000- 100.000 đồng/giờ, bởi vì đây là thời điểm khan hiếm người làm và việc dọn dẹp nhà cửa cũng vất vả hơn.
Nhất là những ngày Tết, nếu đồng ý ở lại làm việc có gia đình thuê chúng em 500.000 – 1.500.000 đồng/ngày. Một ngày em tranh thủ chạy dăm bảy ca làm để có thêm chút tiền sắm Tết, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, trung bình mỗi ca dọn dẹp ba tiếng đồng hồ, em đút túi được 250.000/ca.
Ngày nào cũng phải tối muộn em mới về được đến phòng trọ, ăn tạm cái bánh mỳ rồi nghỉ ngơi, tuy có vất vả so với sức con gái nhưng em vẫn cố gắng. Về quê ăn tết cũng muốn mua cho mẹ, cho các em cái áo, cái quần mới; chỉ hi vọng phụ giúp được phần nào cho mẹ bớt cực nhọc nỗi lo ngày Tết, Phương Thảo tâm sự.
Không giống như các bạn nữ, Trần Đình Nam, sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất chọn làm shipper để kiếm thêm thu nhập cho mình. Vừa gọi điện cho khách hàng, vừa ghi sổ địa chỉ, Nam nhanh nhẹn cười nói và nhận tiền từ khách. “Hôm nay em có hơn 70 đơn hàng phải giao, chạy chắc bục cả xăm xe cũng chưa giao kịp hàng mất”.
Đứng cạnh chiếc xe máy treo đầy các túi nilon ghi địa chỉ khách hàng, cậu sinh viên trẻ liến thoắng kể, Tết đến, ai cũng mua hàng, sắm sửa quần áo một tuần nay ngày nào em cũng phải giao mấy chục đơn hàng đi khắp Hà Nội, may được cái thuộc đường nên cũng chẳng mấy chốc mà xong.
Mỗi đơn giao em được trả 15.000-20.000 đồng, càng xa càng đắt tiền, nhưng không ai thích giao xa cả vì như vậy không thể nhận được nhiều đơn hàng. Chưa kể em phải thủ sẵn mấy cục sạc pin dự phòng để sạc, điện thoại mà hết pin là toi luôn “miếng cơm”.
Chia sẻ về lý do làm thêm, Nam muốn cố gắng mấy ngày giáp Tết để sang năm đổi con xe máy tử tế hơn, không phải xin tiền bố mẹ. Câu chuyện giữa tôi và cậu shipper chỉ vỏn vẹn chưa đến 5 phút, Nam đã nhanh nhảu chào tạm biệt và tiếp tục đi giao hàng cho kịp ngày Tết hối hả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam