Tâm lý 'sính hiệu' khiến hàng giả lộng hành
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết đêm 7/10/2019, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội QLTT số 10 thuộc Cục QLTT Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra một xe chở hàng phát hiện ngoài 15 loại hàng hóa có số lượng, chủng loại phù hợp với hóa đơn, trong xe còn có 450 kính thời trang nữ người lớn nhãn hiệu Channel, 70 túi xách nữ giả da kích thước 20*10cm nhãn hiệu Gucci, trị giá lô hàng khoảng 25 triệu đồng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Người bán không lầm
Thông thường, các loại hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc, giá mua vào từ biên giới Lạng Sơn, Móng Cái chỉ khoảng vài chục nghìn một chiếc kính thường, khoảng hơn 100.000 đồng/kính chất lượng. Thậm chí, gọng kính còn được bán theo cân!
Khi hàng được tuồn vào các thành phố lớn, các cửa hàng sẽ “mông má” lại, gắc mác giả, ngụy trang là hàng xách tay rồi bán giá “trên trời”. Ngoài kính mắt, đồng hồ, túi xách, giày dép... cũng là những mặt hàng bị làm giả nhiều.
Đáng chú ý hơn, những mặt hàng này còn được trà trộn vào hàng loạt trung tâm thương mại lớn. Trước đó, hồi tháng 7/2019, lực lượng chức năng Tp.HCM đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, bóp, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel tại 2 địa điểm là Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và chợ Bến Thành.
Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh. Tổng số hàng hóa vi phạm trị giá gần 256,5 triệu đồng.
Cũng trong tháng 7, gần 3.000 sản phẩm các loại như đồng hồ, kính mắt, quần áo giả các thương hiệu nổi tiếng Hublot, Dior, Gucci…, đã bị Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội thu giữ tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm.
Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội, với số lượng hàng hóa vi phạm tại 7 cửa hàng, trị giá ước xử phạt khoảng trên 300 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy vào khoảng trên 1 tỷ đồng.
Thực tế, người bán hàng gian, hàng giả vì siêu lợi nhuận. Sau khi bị tịch thu hàng hóa và bị phạt hành chính, họ vẫn bán tiếp, do thị trường thiếu sự quản lý chặt chẽ và chế tài chưa đủ răn đe. Ngoài ra, do những mặt hàng này khá dễ nhập qua các đường tiểu ngạch tại các tỉnh biên giới nên thương nhân chấp nhận bị thu giữ hàng rồi nhập đợt khác.
Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, ngoài việc tịch thu tiêu hủy, cần phải phạt thật nặng các cơ sở kinh doanh về kinh tế, thậm chí cần phải xử lý hình sự.
Người mua cũng không lầm
Mặc dù thị trường vẫn thiếu sự quản lý chặt chẽ nhưng có một nghịch lý là nhiều người tiêu dùng cũng không bị nhầm lẫn thật giả các mặt hàng này. Bộ phận người tiêu dùng này biết đó là hàng giả, hàng nhái “đồ hiệu” nhưng vẫn chấp nhận mua vì giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng.
Điều này xuất phát từ tâm lý “sính hiệu” nhưng không phải tốn nhiều tiền, vì nghĩ rằng dù hàng rởm nhưng nhìn cũng khá giống nhau, đâu phải ai cũng nhìn ra được sự khác biệt.
Thực tế, một chiếc kính mắt có nhãn hiệu Chanel chính hãng được bán ra với giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng, nhưng với một chiếc kính giống hệt mà người ta thường gọi là hàng “F1” hoặc “Super Fake” chỉ có giá bán khoảng 1/10.
Chiếc kính này vẫn đầy đủ các phụ kiện đi kèm như hàng chính hãng và nếu chỉ so sánh bằng mặt thường thì quá khó để phân biệt thật giả. Chỉ những người đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng hàng thật mới có thể nhận ra điều bất thường từ 2 chiếc kính.
Cũng là thương hiệu đó nhưng thuộc phân khúc hàng kém chất lượng hơn, thậm chí còn được bán với giá vài trăm nghìn tại các cửa hàng thời trang nhỏ, các chợ trung tâm. Chưa kể, sự bùng nổ của internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên trang điện tử, mạng xã hội đang khiến cho hàng giả dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn.
Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là hành vi vi phạm pháp luật do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, phá hoại sản xuất, gây mất an toàn và tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.
Thậm chí, còn là hiểm họa đối với nền kinh tế đất nước, bởi nếu nhóm hàng này được mua bán tràn lan sẽ khiến sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước bị đình trệ, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, ảnh hưởng phát triển du lịch.
Theo đó, chính tiểu thương và những người tiêu dùng cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, có ý thức nói không với những mặt hàng này. Nên cẩn trọng phân biệt để không mua nhầm hàng giả, hàng nhái, nhất là với các sản phẩm “hàng hiệu” rao bán trên mạng không rõ nguồn gốc, giá rẻ đáng ngờ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo