Thị trường

Tăng thuế thuốc lá có làm gia tăng thất nghiệp?

Đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy, số việc làm tạo ra ở các ngành khác lớn hơn so với số việc làm bị mất đi của ngành thuốc lá.

Phó thủ tướng chỉ đạo 'siết' đầu cơ thịt heo / Giá vàng hôm nay 17/8: Bán tháo không dừng, vàng xuyên thủng đáy

Hầu hết các nghiên cứu quốc tế được công bố đều cho thấy rằng, khi người tiêu dùng giảm chi tiêu của họ cho các sản phẩm thuốc lá thì khoản chi tiêu này sẽ được chuyển sang mua những hàng hóa và dịch vụ cải thiện sức khỏe,nâng cao năng suất lao động.

Vì thế, tăng thuế có thể làm thu hẹp sản lượng và việc làm trong ngành thuốc lá nhưng lại làm mở rộng sản lượng và việc làm trong những ngành khác. Đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy, số việc làm tạo ra ở các ngành khác lớn hơn so với số việc làm bị mất đi của ngành thuốc lá. Do vậy, ở những quốc gia này, tăng thuế thậm chí còn góp phần làm tăng ròng số việc làm trong nền kinh tế.

Tăng thuế thuốc lá có làm gia tăng thất nghiệp?

Tăng thuế thuốc lá có làm gia tăng thất nghiệp?

Đây là nhận định của ông Giang Thanh Long,Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, Đại học kinh tế quốc dânvề tác động của tăng thuế thuốc lá đến việc làm.

Vẫn còn những băn khoăn

Theo ông Giang, ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, thực hiện các chính sách kiểm soát thuốc lá đôi khi còn gặp phải trở ngại do vẫn còn những băn khoăn về tác động tiêu cực của các chính sách này đối với nền kinh tế, trong đó có tác động làm giảm việc làm do nhu cầu về thuốc lá giảm.

Quan ngại về tăng thuế làm giảm việc làm xuất phát từ các kết quả nghiên cứu về số việc làm giảm trong các ngành liên quan đến thuốc lá khi chính phủ tăng thuế. Các nghiên cứu này dựa trên quan điểm chưa đúng cho rằng việc tăng thuế sẽ làm giảm tiêu dùng thuốc lá và khi đó các khoản chi tiêu cho thuốc lá sẽ biến mất khỏi nền kinh tế. Do đó, nhu cầu tiêu dùng thuốc lá giảm mà không có sự tăng lên về nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ khác.

 

Tuy nhiên ông Giang nhấn mạnh, phân tích toàn diện hơn chúng ta sẽ nhận thấy rằng, tăng thuế thuốc lá sẽ tạo ra hai tác động đồng thời đối với tổng số việc làm trong nền kinh tế. Bởi tăng thuế thuốc lá sẽ làm giá thuốc lá tăng và giảm tiêu dùng thuốc lá. Theo hướng này, tăng thuế sẽ có thể dẫn đến làm giảm sản lượng và việc làm của ngành thuốc lá và các ngành liên quan.

Mặt khác, người tiêu dùng khi giảm chi tiêu cho thuốc lá sẽ chuyển số tiền này sang chi tiêu các hàng hóa và dịch vụ khác trong nền kinh tế và/hoặc gia tăng tiết kiệm. Việc tăng chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh trong các ngành này do đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho nền kinh tế.

Trong trường hợp người tiêu dùng chuyển số tiền giảm chi tiêu cho thuốc lá sang tiết kiệm thì trên góc độ nền kinh tế vĩ mô lãi suất sẽ giảm và do đó sẽ làm tăng đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng sản lượng, tạo thêm việc làm cho nền kinh tế. Ngoài ra, tăng thuế cũng có thể dẫn đến sự thay đổi của khu vực chính phủ.

Trong nhiều trường hợp tăng thuế dẫn đến số thu ngân sách từ thuế thuốc lá sẽ tăng, bởi vì cầu đối với sản phẩm này là kém co giãn. Với số thu ngân sách gia tăng, chính phủ có thể thay đổi trong chính sách thuế hay chi tiêu của mình. Ví dụ: số thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng có thể khiến chính phủ giảm và/hoặc không thuế ở các ngành khác hoặc chính phủ cũng có thể tăng chi tiêu (điều này cũng sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế).

Khi đó, số việc làm trong ngành thuốc lá và các ngành liên quan bị mất đi do giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ được bù đắp bằng số việc làm mới ở các khu vực sản xuất khác do sự chuyển dịch cơ cấu chi tiêu của nền kinh tế. Mức độ thay đổi ròng về tổng số việc làm của nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào tương quan về mức giảm việc làm trong ngành thuốc lá và các ngành liên quan với mức tăng việc làm trong các ngành khác. Kết quả này sẽ phụ thuộc rất lớn vào quyết định phân bổ lại chi tiêu của người tiêu dùng và của chính phủ cũng như đặc thù của các ngành sản xuất trong nền kinh tế.

 

Tăng thuế cao hơn sẽ gia tăng việc làm

Tại Việt Nam, cho đến nay có 2 nghiên cứu về tác động của tăng thuế thuốc lá đối với tổng số việc làm trong nền kinh tế. Nghiên cứu thứ nhất do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Thương Mại thực hiện năm 2008 và nghiên cứu thứ hai do nhóm nghiên cứu của Viện chính sách công và quản lý – trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện năm 2013.

Cả hai nghiên cứu cùng sử dụng phương pháp I-O để ước tính tác động của tăng thuế thuốc lá đến sự thay đổi việc làm của các ngành và tổng số việc làm của nền kinh tế. Nghiên cứu của Trường Đại học Thương Mại sử dụng Bảng I-O năm 2000 và nghiên cứu của Viện chính sách công sử dụng Bảng I-O năm 2007.

Nghiên cứu của Viện Chính sách công và quản lý có thể được xem như là một nghiên cứu cập nhật số liệu cho nghiên cứu trước đó của Trường Đại học Thương Mại. Cả hai báo cáo nghiên cứu đều kết luận rằng tăng thuế thuốc lá có tác động tích cực đối với tổng số việc làm ở Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu của trường Đại học Thương Mại kết luận, nếu chính phủ tăng thuế 100% (từ mức thuế 55% lên 110%) sẽ làm tổng sản lượng của nền kinh tế tăng thêm 1004,7 tỷ đồng và tổng số việc làm tăng 190.916 việc làm. Nếu tăng thuế 50% (từ mức 55% lên 77,5%) sẽ làm tổng sản lượng của nền kinh tế tăng thêm 604,8 tỷ đồng và tổng số việc làm tăng 114.526 việc làm. Có 45 trong số 48 ngành của nền kinh tế có kết quả tác động ròng là dương về tổng sản lượng và việc làm, trong khi chỉ có 3 ngành có kết quả tác động ròng là âm, trong đó có ngành sản xuất thuốc lá điếu.

 

Nghiên cứu của Viện Chính sách công và Quản lý kết luận: Nếu chính phủ tăng thuế 30,76% (từ mức 65% hiện nay lên mức 85%) sẽ làm tổng sản lượng của nền kinh tế tăng thêm 0,09% (tương đương 1979,3 tỷ đồng) và tổng số việc làm của nền kinh tế tăng thêm 0,12% ( tương đương 60.278 việc làm). Nếu chính phủ tăng thuế 61,5% (từ mức 65% hiện nay lên mức 105%), tổng sản lượng của nền kinh tế sẽ tăng thêm 0,18% (tương đương 3958,5 tỷ đồng) và tổng số việc làm của nền kinh tế tăng thêm 0,24% (tương đương 120.556 việc làm). Có 21 trong tổng số 22 ngành của nền kinh tế đã có kết quả ròng tích cực ròng và chỉ có 1 ngành có đạt có kết quả tiêu cực ròng từ chính sách tăng thuế đó là ngành sản xuất thuốc lá điếu.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mức tăng thuế cao hơn sẽ làm gia tăng tổng sản lượng và việc làm của nền kinh tế nhiều hơn.

“Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tăng thuế thuốc lá tác động làm gia tăng tổng sản lượng và việc làm của nền kinh tế nói chung. Vì vậy, chúng ta không cần lo ngại về việc tăng thuế làm giảm việc làm. Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng thuế thuốc lá mạnh mẽ hơn để hạn chế tiêu dùng và các tác hại của thuốc lá”, ông Long nói.

Theo infonet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm