Thị trường

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần lộ trình hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp

DNVN - Chiều 22/4, hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” do báo Nhân Dân tổ chức, các chuyên gia đã nhấn mạnh, lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần được xây dựng hợp lý để giúp doanh nghiệp vượt khó, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025.

Giá nông sản ngày 21/4/2025: Cà phê, hồ tiêu giữ giá không đổi / Tỷ giá ngoại tệ ngày 22/4: USD giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 3 năm giữa loạt biến động lớn

Doanh nghiệp đối diện áp lực kinh tế nặng nề

Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận định, trong quý II/2025, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động từ những biến động kinh tế, chính trị toàn cầu, cùng các yếu tố khó lường như thiên tai và dịch bệnh.

“Đây là thời điểm cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách thúc đẩy để tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

Theo ông Minh, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% là thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Dự án Luật Thuế TTĐB, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5/2025, nhằm định hướng sản xuất, điều chỉnh tiêu dùng, và hạn chế các sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường. Tuy nhiên, các đề xuất tăng thuế suất và mở rộng danh mục mặt hàng chịu thuế có thể tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối và dịch vụ.

Dự thảo Luật TTĐB đề xuất tăng thuế suất đối với bia (hiện tại đang là 65%) theo hai phương án. Phương án 1 tăng 5%/năm từ 2026 để đạt 90% vào 2030. Phương án 2 tăng mạnh 15% ngay năm 2026, sau đó tăng 5%/năm để đạt 100% vào 2030. Các chuyên gia đánh giá cả hai phương án đều có tốc độ tăng quá gấp, khiến doanh nghiệp ngành bia rượu khó xoay xở kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ, Thuế TTĐB sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh vốn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng sản xuất 20 - 30%, buộc phải cắt giảm lao động, thu nhập. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có quy mô nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm đã đóng cửa.

Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt.

Ngành đồ uống hiện đóng góp khoảng 60,000 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tăng thuế TTĐB đột ngột từ 2026 có thể gây ảnh hưởng dây chuyền đến khoảng 20 ngành liên quan, từ cung ứng nguyên liệu đến dịch vụ phân phối. VBA kiến nghị lùi thời điểm tăng thuế và áp dụng lộ trình tăng chậm hơn để doanh nghiệp có thời gian phục hồi, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành bia rượu đang đối mặt với thị trường nội địa suy giảm, cạnh tranh quốc tế gay gắt, và chi phí sản xuất tăng cao. Các ý kiến tại hội thảo cho rằng một lộ trình thuế tăng nhẹ, kéo dài hơn sẽ vừa hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa khuyến khích tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm, xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh hơn.

Kích cầu nội địa, bảo đảm lợi ích lâu dài

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng đề xuất, để kích cầu tiêu dùng trong nước và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, Việt Nam cần sớm giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8%, áp dụng cho mọi hàng hóa, dịch vụ, kể cả mặt hàng chịu thuế TTĐB, và kéo dài ít nhất đến hết 2026. Giải pháp này bảo đảm công bằng, phù hợp với cơ chế khấu trừ thuế GTGT, và tránh hiện tượng “chuyển thuế” hoặc tăng thuế cho các sản phẩm chịu thuế suất 10%.

Về dự thảo Luật TTĐB, ông Phụng cho rằng phương án 1 (tăng 5%/năm từ 2026) nên được ưu tiên hơn phương án 2 (tăng 15% ngay 2026) để giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý và khu vực tư nhân.

Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt đề xuất, lùi thời điểm tăng thuế TTĐB đến năm 2028, với mức tăng 5%/năm trong 5 năm, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và thích ứng. Các doanh nghiệp nhấn mạnh chính sách thuế cần được xây dựng cẩn trọng, cân nhắc thực trạng kinh tế và đặc thù ngành để đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, đồng thời đạt mục tiêu tiêu dùng có trách nhiệm.

“Chúng tôi mong các chính sách thuế được ban hành phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước, người dân. Mong muốn của chúng tôi là được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới”, ông Việt mong muốn.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý và khu vực tư nhân. Đại diện các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tổ chức thêm các diễn đàn để lắng nghe ý kiến, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Phương Thảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm