Thích ứng khí hậu - chìa khóa để đột phá sức cạnh tranh ngành mía đường
Xăng dầu giảm giá mạnh, E5 RON 92 xuống dưới 19.000 đồng/lít / Cải thiện môi trường đầu tư, tăng hút vốn FDI
Thách thức lớn từ biến đổi khí hậu
Thông tin được các đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo "Chiến lược thích ứng khí hậu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam" do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức tại Gia Lai ngày 13/9.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vào năm 2021, ngành đường đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể.
Trong đó, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp, với mức tăng 152% so với vụ 2019/20. Hiện nay giá mía đã tăng lên mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/tấn - tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực. Từ đó, dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây.
Trong khối ASEAN có 4 nước chính sản xuất đường từ mía là Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Một số nước khác cũng sản xuất mía đường nhưng trình độ thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanmar.
"Sản xuất mía đường niên vụ 2023-2024 đã ghi nhận những diễn biến chính. Trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên Việt nam đạt mức năng suất đường dẫn đầu khu vực về năng suất, đạt 6,79 tấn đường/ha", ông Lộc thông tin.
Tuy vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu. Việt Nam nằm ở Đông Nam Á - 1 trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, đối mặt với mực nước biển dâng cao, nắng nóng, lũ lụt và hạn hán. Các vùng trồng mía chính của Việt Nam đang phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt và cháy rừng.
Cùng đó là môi trường kinh doanh chưa lành mạnh, gian lận thương mại đường nhập lậu. Trong khi Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường, thì sự không nghiêm túc của các đối tác trong khu vực đã gây ảnh hưởng tiêu cực, đe dọa đến sự tồn tại của ngành mía đường Việt Nam.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo, niên vụ 2024-2025 sẽ có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam. Lý do là ngành phải đối phó với hiện tượng La Nina, dự kiến sẽ bắt đầu có tác động trong niên vụ. Giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS.
Kinh nghiệm thích ứng khí hậu từ quốc tế
Trong bối cảnh nhiều thách thức, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, ngành mía đường cần học kinh nghiệm thích ứng từ Ấn Độ, Brazil và những nước khác.
Theo ông Lộc, Ấn Độ đã phát triển các giống mía thích ứng khu vực bằng việc khảo nghiệm giống tại các địa điểm khác biệt về sinh thái nông nghiệp; bảo đảm năng suất, chất lượng, thích ứng thời tiết, tái sinh gốc tốt; bảo đảm chất lượng giống bằng giải pháp vi nhân giống. Ngoài ra, xác định giống phù hợp điều kiện bất lợi nhất và kỹ thuật canh tác phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm của ngành mía đường Brazil trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Raffaella Rossetto – Trung tâm nghiên cứu mía, Viện Nông học Campinas, Brazil cho biết, biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh nhu cầu áp dụng các chiến lược thông minh về khí hậu để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Thực tế, những thay đổi hiện tại về các mô hình khí hậu đã làm tăng sự xuất hiện của các mối nguy hiểm về khí tượng nông nghiệp trên toàn cầu.
Các dấu hiệu toàn cầu về biến đổi khí hậu là xu hướng ấm lên với các đợt nắng nóng chưa từng có và nhiều đợt hạn hán hơn với cường độ gia tăng. Brazil cũng đã trải qua những dấu hiệu tiêu cực như vậy của biến đổi khí hậu.
Tần suất các đợt hạn hán nghiêm trọng đã tăng từ năm 1980 đến 2023 ở hơn 50% tất cả các khu vực của Brazil. Xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở các khu vực sản xuất mía đường chính, chẳng hạn như Tiểu bang Sao Paulo.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Brazil tập trung vào việc tăng cường hệ thống rễ của cây mía, cho phép cây khai thác khối lượng đất lớn hơn, do đó tiếp cận được nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn.
Hàng năm, Brazil triển khai 4 chương trình lai tạo cung cấp các giống mới nhằm mục tiêu phát triển giống chống chịu côn trùng, bệnh, chịu hạn hán và phát triển sinh khối. Tuy nhiên, năng suất chỉ mới tăng cục bộ, đặc biệt ở những nơi không có hạn chế nghiêm trọng về khí hậu hoặc nơi có hệ thống tưới tiêu. Tất cả các chương trình lai tạo đều đánh giá năng suất của các giống mới về khả năng chịu đựng tình trạng thiếu nước.
Ngoài ra, Brazil thay đổi phương pháp canh tác đất. Trong đó, phương thức mới bao gồm canh tác tối thiểu nhưng cày đất sâu và trồng trên luống cao bằng các kỹ thuật GPS có kiểm soát giao thông các phương tiện cơ giới trên ruộng mía nhằm ngăn ngừa sự nén chặt đất.
Cùng đó là tái tuần hoàn toàn bộ phụ phẩm của quá trình chế biến mía đường, bổ sung hữu cơ bằng luân canh cây xanh, điều chỉnh đất để giúp cây trồng chịu được tình trạng thiếu nước.
Tại hội thảo, các diễn giả có chung nhận định, hiện tượng nóng lên toàn cầu và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã trở nên thường xuyên hơn và gây ra nhiều tổn thất về năng suất nông nghiệp nói chung và ngành mía đường nói riêng.
Cần hướng đến nền nông nghiệp tái sinh bằng cách tăng chất hữu cơ trong đất, tăng chiều sâu hệ thống rễ và cải thiện bảo tồn, đa dạng sinh học có thẻ giảm thiểu những hạn chế này.
Các hoạt động như tưới tiêu và nông nghiệp chính xác hướng đến mục tiêu sử dụng tối ưu tài nguyên và tăng năng suất theo hướng bền vững.
Ông Cao Anh Dương đến từ Viện nghiên cứu Mía đường khuyến cáo, ngành mía đường lựa chọn phân bón phù hợp, phòng trừ dịch bệnh sâu hại đối với cây mía.
Một trong những kiến nghị của viện là tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa viện, hiệp hội mía đường và các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, cần củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Xây dựng thị trường đường lành mạnh, phát triển hài hoà. Phòng chống các hành vi gian lận thương mại, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và triển khai chương trình tuyển chọn giống mía...
Hội thảo "Chiến lược thích ứng khí hậu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam" là một trong nhiều chương trình thuộc chuỗi hoạt động tổng kết ngành mía đường niên vụ 2023-2024. Chuỗi hoạt động còn bao gồm hội thi văn nghệ thể thao ngành đường, triển lãm nông công nghiệp ngành mía đường Việt Nam, tham quan kỹ thuật nông nghiệp mía dành cho đại biểu nông dân... Các đại biểu ủng hộ đồng bào vùng lũ số tiền gần 65 triệu đồng. Trong khuôn khổ hội thảo sáng nay đã diễn ra lễ biểu dương khen thưởng nông dân có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với tổng số tiền 64.739.000 đồng. Trước khi diễn ra hội nghị, các doanh nghiệp đã ủng hộ 940 triệu đồng. Trong đó, CTCP Đường Quảng Ngãi ủng hộ 500 triệu đồng, Nhà máy Đường An Khê 140 triệu đông, Công ty Kim Hà Việt 100 triệu đồng, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam 200 triệu đồng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã vượt mục tiêu đề ra
VCCI: Áp hệ số nợ chung cho tất cả các doanh nghiệp là chưa hợp lý
Giá vàng ngày 6/1/2025: Cơ hội vượt mốc 3.000 USD/ounce?
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025
Tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá theo lộ trình thị trường
Tỷ giá ngoại tệ ngày 6/1/2024: USD tăng nhẹ, Nhân dân tệ giảm mạnh