Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025 / Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Tăng cường chính sách huy động nguồn lực
Sáng ngày 23/1 Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Luật Công nghiệp công nghệ số. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của hai luật này trong bối cảnh nền kinh tế còn thiếu vốn. Thủ tướng cho rằng cơ chế chính sách cần rõ ràng để xác định điều gì đúng nên làm và điều gì sai cần tránh, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm minh chính cho rằng, can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển.Theo Thủ tướng, dù GDP của Việt Nam đứng thứ 34 thế giới nhưng quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài còn yếu. Vì vậy, việc huy động toàn bộ nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, nước ngoài và hợp tác công tư là rất cần thiết.
"Để đạt mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc, cần đổi mới tư duy quản lý, dựa trên tổng kết thực tiễn. Điều gì tốt phải phát huy, điều gì chưa được thì sửa ngay, còn những vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển", Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, nguồn lực cần xuất phát từ tư duy và tầm nhìn sáng tạo, nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Sức mạnh nội lực của Việt Nam, gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử, cần được phát huy thông qua cơ chế, chính sách hợp lý.
Thủ tướng lấy ví dụ về những thành tựu từ cơ chế khoán 10 và khoán 100, nhấn mạnh các chính sách đột phá có thể làm thay đổi tình hình kinh tế, biến Việt Nam từ nước thiếu gạo thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Không can thiệp hoạt động của doanh nghiệp
Về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng nhận định, mô hình quản lý hiện tại vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa thực sự ổn định.
"Cần tránh cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội. Cái gì phù hợp thì giữ, cái gì không phù hợp phải loại bỏ," Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần tuân theo các quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, thay vì chịu sự can thiệp hành chính.
"Sự can thiệp như vậy sẽ làm méo mó thị trường, cản trở tư duy và sự phát triển. Quản lý doanh nghiệp cần dựa trên cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam," Thủ tướng khẳng định.
Đối với kế hoạch kinh doanh, Thủ tướng đề nghị Hội đồng quản trị doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm, trên cơ sở bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát và định hướng nhưng không can thiệp cụ thể vào các hoạt động kinh doanh.
Thủ tướng cũng cho rằng, để đảm bảo tính tự chủ, luật cần mạnh dạn phân cấp và phân quyền. Ông nêu ví dụ về việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, vốn đã kéo dài qua nhiều năm do các thủ tục phức tạp.
"Doanh nghiệp cần hành lang pháp lý rõ ràng để tự do sáng tạo mà không lo ngại sai sót. Thời gian và quyết định kịp thời là yếu tố quyết định thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rằng, vốn đầu tư công nên thực hiện theo Luật Đầu tư công, còn vốn của doanh nghiệp nhà nước phải để Hội đồng quản trị tự quyết định.
"Nếu Hội đồng quản trị đã được thành lập để ra quyết định, tại sao phải đi xin ý kiến các cấp hành chính?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân cấp và tăng trách nhiệm cá nhân trong quản lý. Việc thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát hợp lý sẽ giúp các cơ quan trung ương tập trung hoạch định chiến lược, thay vì thực hiện công việc cụ thể vốn thuộc trách nhiệm của các địa phương.
"Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện và huyện không làm thay xã. Tinh thần là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Việc quản lý doanh nghiệp cũng vậy, không nên can thiệp sâu," Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các quy định để bảo đảm sự đồng nhất giữa luật cũ và luật mới, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm