Thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người dùng Internet đang ngày càng tăng.
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Việt Nam sắp xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, giữ nguyên thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Tăng phí trước bạ với ôtô bán tải, gas tăng giá lần thứ 5
Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người dùng Internet đang ngày càng tăng.
Tuy nhiên, thách thức với các doanh nghiệp nội địa không nhỏ bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn phát triển khá nhanh, nhưng sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều thách thức mới.
5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) 2017 diễn ra mới đây, bà Đặng Thủy Hà - Trưởng đại diện công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 đã đạt tới mốc 4 tỷ USD. Theo bà Đặng Thủy Hà, 45% dân số Việt Nam hiện nay đã tiếp cận với Internet. Đáng chú ý là tỷ lệ dân số tiếp cận Internet tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn cao hơn rất nhiều. Điều này tạo điều kiện phát triển cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam là khoảng 35%. Ảnh minh họa
Báo cáo từ Nielsen dẫn kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%.
Ngoài ra, Việt Nam có dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet và smartphone cao là những điều kiện thuận lợi cho ngành thương mại điện tử phát triển. Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đạt trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng đã đạt tới trên 50%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tính đến năm 2016, đã có tới 32% doanh nghiệp thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Trong khi đó, 11% doanh nghiệp chọn tham gia các sàn thương mại điện tử và hoạt động website.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng tốc độ tăng trưởng còn tăng mạnh, có thể lên tới 30 - 50%/năm. Theo ông Trần Trọng Tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới.
Còn nhiều thách thức
Tiềm năng của thương mại điện tử Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có một thực tế được các chuyên gia chỉ ra là đang có sự không công bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu với các khách hàng cá nhân. Khách hàng cá nhân mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện khá ưa chuộng mua hàng qua các website thương mại điện tử của nước ngoài như Amazon, eBay… Lý do của hiện tượng này được Hiệp hội Thương mại điện tử chỉ ra do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng và phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao. Ngoài ra, chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn…
Ở chiều ngược lại, VECOM phân tích: “Phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian”. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn “đuối” hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Và một yếu tố khác là nhiều khi chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.
Một vấn đề cũng đang là thách thức với các nhà bán hàng trực tuyến Việt Nam là cơ sở hạ tầng công nghệ. Chia sẻ của ông Phạm Thông, Giám đốc tiếp thị Lazada tại VOBF 2017 cho thấy là trong dịp cáp quang AAG bị đứt vào 2,3 tuần vừa qua, doanh thu của Lazada đã mất tới 30% doanh thu trung bình trong một ngày.
Không chỉ Lazada mà nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử và cá nhân kinh doanh online cũng chật vật trong thời điểm cáp quang bị đứt. Do đó, ông Thông cho rằng nếu có thể làm cho nền tảng chắc chắn hơn, ổn định hơn, người dùng dễ tiếp cận hơn thì chắc chắn rảo cản cho thương mại điện tử sẽ càng được thu hẹp.
Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỷ USD tính tới cuối năm 2016, bằng một phần ba mươi so với mức 120 tỷ USD của thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận mặc dù vẫn còn những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp nước này dễ dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác, nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là một mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Công lý
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo