Thương mại hóa sản phẩm OCOP tại Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn
Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận xe chở hoa quả từ 17/1 đến Tết Nguyên đán / Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước khi đưa hàng hoá đến các cửa khẩu Lạng Sơn
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Giải pháp kết nối thị trường đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, sáng ngày 12/10, ông Liễu Anh Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, Chương trình OCOP đã được UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, Lạng Sơn có 120 sản phẩm OCOP. Trong đó, có nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu, được biết đến rộng rãi như hồng vành khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, na Chi Lăng... Các sản phẩm đều đã có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng, doanh số bán ra ngày càng tăng.
Để công tác xúc tiến thương mại, truyền thông cho sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả rộng rãi, sở đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chủ động kết nối với sở công thương các tỉnh, thành trên toàn quốc theo hình thức trực tuyến để trao đổi, xúc tiến thực hiện kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm đặc sản theo từng mùa vụ.
Đồng thời, chỉ đạo trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tham gia 10 hội chợ tại các tỉnh trong cả nước và tại thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc; trưng bày, quảng bá khoảng 30 sản phẩm địa phương. Công tác truyền thông giới thiệu sản phẩm được chú trọng.
Lạng Sơn cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP qua các chương trình xúc tiến thương mại. Các sản phẩm OCOP tiếp tục được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn và trên trang thông tin điện tử xúc tiến thương mại Lạng Sơn tại website www.langsontrade.vn. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lạng Sơn đã xây dựng được điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Chủ thể của chương trình OCOP hầu hết đều là những chủ thể có kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ. Tính ổn định trong chất lượng sản phẩm, năng lực tự xúc tiến thương mại của các chủ thể còn yếu. Sự tham gia của các chủ thể chưa được chủ động, một số chủ thể chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể còn ít. Các cơ sở sản xuất chưa có website thương mại điện tử riêng hoặc có xây dựng nhưng không thể duy trì dẫn đến việc nắm bắt cơ hội thị trường bán lẻ trực tuyến còn hạn chế”, ông Minh nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, thị trường đầu ra của sản phẩm OCOP Lạng Sơn còn nhỏ hẹp. Các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nhiều. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mới chủ yếu tập trung đối với các sản phẩm OCOP, chưa có nhiều các hoạt động xúc tiến đối với các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, ông Minh kiến nghị các sở, ban, ngành liên tục phối hợp chặt chẽ với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra những giải pháp mới để thực hiện Chương trình OCOP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần tập trung nguồn lực hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển thương hiệu sản phẩm (khắc phục những bất cập về bao bì, nhãn mác). Đặc biệt là việc phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo nên hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đại diện cho doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, bà Chu Thị Hạnh - Cơ sở sản xuất thạch Chu Hạnh cho biết, doanh nghiệp luôn xác định việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là kênh phân phối online. Thạch Chu Hạnh đã trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu, chất lượng đến với người dân địa phương và ngoài tỉnh. Hiện nay, cơ sở đã mở thêm chi nhánh phân phối tại tại miền Nam.
“Chúng tôi đang thúc đẩy chiến lược maketing quảng bá cửa hàng trực tuyến của mình, tạo doanh số bán hàng thu hút khách hàng mới và tăng trải nghiệm cho khách hàng cũ, mở rộng khách hàng tiềm năng”, bà Hạnh cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định