Thị trường

Tìm đường xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc

DNVN - Việt Nam đang bắt đầu vào vụ nhãn. Song, việc tiêu thụ trong và ngoài nước đối với nhãn tươi và các sản phẩm chế biến chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19, trong khi công tác bảo quản sản phẩm chưa đạt yêu cầu để có thể xuất khẩu được nhiều sang các nước ở xa. Do đó, cần đẩy mạnh việc bán cho thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Vietcombank, Agribank, TPBank chính thức giảm lãi suất cho vay / 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 1,5 tỷ USD

Những thông tin này đã được đề cập tại Phiên tư vấn trong khuôn khổ Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với nhiều tổ chức kinh doanh, Thương vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu nhãn quan trọng của Việt Nam tổ chức chiều 16/7.
Tiềm năng xuất khẩu nhãn rất lớn
Tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, Việt Nam đang vào vụ nhãn - một loại trái cây đặc sản nhiệt đới được trồng phổ biến ở một số địa phương trên cả nước, thậm chí có những vùng chuyên canh rất lớn lên tới hàng chục ngàn héc-ta.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), phát biểu tại sự kiện.
Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông. Tuy nhiên, hiện lượng nhãn Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài còn khiêm tốn so với tiềm năng và cần nhiều giải pháp thực tiễn để phát triển.
"Do đó, trong phiên tư vấn này, các cơ quan XTTM của Trung Quốc, đại diện nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, tư vấn cho các địa phương trồng nhãn và các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn của Việt Nam cách thức đưa các sản phẩm nhãn Việt Nam thành công vào thị trường nước sở tại”, ông Vũ Bá Phú bày tỏ.
Bà Hứa Tiểu Xuyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường thông tin: Trong năm 2021, Hiệp hội trái cây Trung Quốc-ASEAN thành phố Bằng Tường sẽ bán hơn 50.000 tấn nhãn.
"Lượng nhãn tươi nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục vượt xuất khẩu, và tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm long nhãn là rất lớn. Việc thực hiện chính sách “miễn thuế” và khai thông“con đường phía nam” đã rút ngắn thời gian vận chuyển nhãn nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Nhãn ngoại có cùi dày, giá rẻ, có mặt trên thị trường sớm, có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Do đó, sản phẩm nhãn tươi và long nhãn khô của chúng tôi duy trì ở trạng thái nhập siêu. Tiềm năng xuất khẩu long nhãn khô và long nhãn đóng hộp là rất lớn. Sản lượng nhãn trong nước đang ở trạng thái cung không đủ cầu, và tiêu thụ nhãn sẽ tiếp tục gia tăng", bà Hứa Tiểu Xuyên khẳng định.

Ông Dư Tâm Thâm, Phó Chủ tịch Ủy ban XTTM quốc tế Ôn Châu (Trung Quốc) chia sẻ từ đầu cầu Ôn Châu, Trung Quốc.
Ông Dư Tâm Thâm, Phó Chủ tịch Ủy ban XTTM quốc tế Ôn Châu (Trung Quốc), cũng cho rằng nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhãn cũng như các loại nông sản Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng lên qua từng năm.
"Ôn Châu sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả nhãn. Hiện, Ôn Châu có hơn 7.000 doanh nghiệp thương mại, có đường vận chuyển thẳng từ Ôn Châu đến Hải Phòng (Việt Nam) và đường bay trực tiếp từ Ôn Châu đến Đà Nẵng (Việt Nam). Không chỉ vậy, Ôn Châu còn có lợi thế về kho bãi, cảng biển; có nhiều thương nhân Ôn Châu ở nước ngoài, cùng hàng triệu Hoa kiều sinh sống rộng rãi trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ", ông Dư Tâm Thâm nói.
Kinh nghiệm xuất khẩu nhãn thành công
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFOOD), năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu được 28 tỷ USD nhãn tươi và 2 triệu USD nhãn sấy khô, nước nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm nhãn là Trung Quốc.
"Tôi cho rằng, mùa nhãn năm nay Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ nên chi phí vận chuyển không cao. Việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không đến các thị trường xa đối mặt với nhiều khó khăn trong khi công nghệ bảo quản chưa tốt. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều chợ tiêu thụ truyền thống bị phong tỏa và giải tán làm mất đi cơ hội đẩy mạnh bán hàng qua kênh tiêu thụ nội địa. Do đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiêu thụ chính trong niên vụ này", ông Nguyên cho biết.

Trung Quốc có nhu cầu lớn về nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn.
Cho rằng Trung Quốc là thị trường cơ bản nhất trong tình hình hiện nay, ông Nguyên kiến nghị Thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, kết nối cung - cầu để sản lượng tiêu thụ nhãn năm nay đạt kết quả cao.
Chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương trồng nhãn và các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn của Việt Nam cách thức đưa các sản phẩm nhãn Việt Nam thành công vào thị trường nước sở tại, ông Dư Tâm Thâm cho rằng cần lưu ý tới 4 điều kiện không thể bỏ qua.
Một là đáp ứng các điều kiện về chất lượng cao và chất lượng ổn định, vượt qua kiểm tra và kiểm dịch của Trung Quốc. Hai là xây dựng thương hiệu riêng của mình để nâng cao sự công nhận của thị trường và mở rộng nhu cầu lớn hơn. Ba là thúc đẩy chế biến sản phẩm chuyên sâu hơn, ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, nâng cao khả năng bảo quản, đưa ra thị trường các sản phẩm mở rộng như nước trái cây đóng hộp, sấy khô. Bốn là tìm đối tác thương mại phù hợp để cùng phát triển thị trường.
"Chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt nam sẽ vào thị trường Ôn Châu và đạt được hiệu quả bán hàng ấn tượng. Ủy ban XTTM Quốc tế Ôn Châu hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với Văn phòng Xúc tiến Thương mại Hàng Châu, Bộ Công Thương Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp và nền tảng kết hợp nhập khẩu nông sản Ôn Châu, tận dụng hàng loạt lợi thế của Ôn Châu, tăng cường nhập khẩu nông sản Việt Nam, tạo một "cửa sổ triển lãm" cho các sản phẩm nông nghiệp Đông Nam Á ở miền Nam Chiết Giang", ông Dư Thâm Tâm chia sẻ.
Tại sự kiện, giới thiệu về sản phẩm nhãn sông Mã của tỉnh Sơn La với các đối tác, các thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay: Sơn La hiện có trên 19.000ha nhãn, sản lượng dự kiến năm 2021 đạt 112.000 tấn. Trong đó, có 2.246 ha được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 22.000 tấn để phục vụ xuất khẩu. Ngoài quả nhãn tươi, tỉnh Sơn La còn có sản phẩm long nhãn với số lượng khoảng 6.000 tấn/năm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm