Tổ chức tài chính quốc tế quan tâm sâu rộng đến nông nghiệp Việt Nam
DNVN - "Chương trình của chúng tôi không chỉ cung cấp tài chính, phát triển nông thôn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mà còn rất quan tâm đến yếu tố con người, IFAD là một tổ chức lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi đầu tư vào người dân nông thôn và tập trung vào các hoạt động có tác động mạnh mẽ nhất đến nghèo đói ở khu vực nông thôn Việt Nam"...
Ngành logistics đang thiếu 2 triệu nhân lực / Ngày không tiền mặt
Đây là khẳng định của ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tại Lễ kỉ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và IFAD với chủ đề "IFAD đối tác quan trọng giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại Việt Nam" được tổ chức vào ngày 22/5 tại Hà Nội.
Lấy người dân làm trung tâm
IFAD đã bắt đầu các hoạt động chương trình đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993, trong những năm bản lề của đổi mới của nước ta. Trong 25 năm qua, IFAD đã hỗ trợ triển khai 15 dự án phát triển nông thôn lớn tại Việt Nam với tổng ngân sách là 565,4 triệu USD, trong đó IFAD đầu tư 377,5 triệu USD. Các dự án này đã trực tiếp mang lại kết quả cho hơn 748.470 hộ gia đình nông thôn được thụ hưởng tại 11 tỉnh trong cả nước.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, ông Donal Brown, Phó Chủ tịch IFAD khẳng định: Việc Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng về chuyển đổi kinh tế, và trong một khoảng thời gian ngắn GDP trên đầu người đã tăng từ 230 USD năm 1985 lên 2340 USD năm 2017. Sự tăng trưởng này cũng khá bao trùm với tỷ lệ nghèo giảm từ 60% tổng dân số ở giữa thập niên 80 xuống dưới 10% trong năm 2016.
Toàn cảnh lễ kỉ niệm 25 quan hệ đối tác giữa Việt Nam và IFAD.
Nông thôn Việt Nam có tới hơn 70% dân số và cũng là nơi các nỗ lực xóa đói giảm nghèo cần được tăng cường. Chiến lược và chương trình đầu tư hiện tại của IFAD nhằm mục đích hướng đến đổi mới, phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, cải cách sâu sắc thể chế và chính sách ở cấp tỉnh, nâng cao khả năng của các hộ nông dân nghèo và giúp họ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh về hoạt động của IFAD tại Việt Nam, ông Thomas Rath, Giám đốc IFAD tại Việt Nam cho biết: "Chương trình của chúng tôi không chỉ cung cấp tài chính, phát triển nông thôn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng tôi còn rất quan tâm đến yếu tố con người, IFAD là một tổ chức lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi đầu tư vào người dân nông thôn và tập trung vào các hoạt động có tác động mạnh mẽ nhất đến nghèo đói ở khu vực nông thôn".
"Tôi xin ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của hàng trăm tổ chức đối tác, hàng ngàn tác nhân thay đổi và những nhà nông điển hình, họ chính là những người đã đồng hành cùng chúng tôi, những người đã chiến thắng và là một phần của sự thay đổi quan trọng trong lịch sử", Giám đốc IFAD tại Việt Nam khẳng định.
Cảm ơn sự đóng góp to lớn IFAD đối với nông nghiệp Việt Nam, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, đất nước và người dân Việt Nam rất coi trọng và trân trọng sự hợp tác tốt đẹp với IFAD. Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng góp, cộng tác cùng với IFAD trong những nỗ lực chung để xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.
"Dựa trên những thành công ban đầu của chúng ta, điều tối quan trọng đối với Việt Nam là đẩy mạnh và nhân rộng các biện pháp can thiệp, những mô hình điểm hình đã được chứng minh hiệu quả và có tác động mạnh mẽ ở 11 tỉnh đại bàn dự án. Điều quan trọng không kém là khuyến khích thêm nhiều nữ giới tham gia vào quá trình phát triển và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Dự án nâng cao năng lực cho người dân và doanh nghiệp
Chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện, ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Dự án AMD Bến Tre cho biết, Dự án thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Dự án AMD) tại Bến Tre được IFAD tài trợ đến nay đã đi vào năm cuối của dự án với mục tiêu giúp người nông dân nghèo cải thiện được sinh kế trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Thông qua hoạt động này nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt là người nghèo; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (DN), cho các thể chế để giúp họ thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Khi đã thích ứng tốt hơn họ sẽ tham gia vào các hoạt động kinh tế để giúp cải thiện và nâng cao thu nhập.
Mô hình đan cọng nhựa tại xã Tiên Long. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Bến Tre)
"Đối với dự án hỗ trợ cụ thể của Bến Tre, chúng tôi hỗ trợ cho DN, để thông qua DN để đầu tư vào nông thôn, nông dân, kết nối nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm, đưa sản phẩm ra thị trường", ông Nguyễn Khắc Hân nói.
Ông Hân cho rằng, với sự hỗ trợ to lớn từ IFAD, sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và đang tiếp tục mở rộng.
Nói về dự án thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre, ông Hân chia sẻ: "Dự án đã hỗ trợ một số DN trong những vấn đề khó khăn để DN có thể kết nối với người trồng dừa, đưa sản phẩm dừa ra thị trường quốc tế. Cụ thể chúng tôi đã hỗ trợ cho DN đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới côg nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, xúc tiến thị trường, xúc tiến thương mại và một số hoạt động kết nối chuỗi giá trị từ người trồng dừa qua khâu thu gom, sơ chế, xuất khẩu sản phẩm, tức là đi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ".
Đặc biệt, dự án hỗ trợ sản phẩm dừa hữu cơ được chứng nhận organic giúp cho DN tháo gỡ khó khăn về tạo vùng nguyên liệu, thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong điều kiện kinh tế thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, dự án cần tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý DN, nâng cao năng lực về kỹ thuật, công nghệ để giúp sản phẩm dừa của Bến Tre, của các DN dừa mà dự án đang hỗ trợ nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, nhất là những sản phẩm công nghệ cao đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Với quan điểm tương tự, ông Thomas Rath nhấn mạnh, mặc dù có sự tiến bộ ấn tượng trong việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên vẫn rất còn nhiều việc phải làm. Những cư dân nông thôn với khoảng 1/3 dân số, tương đương 30 triệu người, vẫn là những nhóm dễ bị tổn thương hơn khi khoảng cách phát triển gia tăng giữa nông thôn và thành thị. Những người nghèo và cực nghèo thường nằm trong các dân tộc thiểu số, cư trú ở các vùng cao.
Đại diện IFAD khẳng định, IFAD vẫn đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển để hỗ trợ và đóng góp cho các nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ xóa đối giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam
IFAD là một tổ chức tài chính quốc tế và là cơ quan chuyên môn về nông nghiệp của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Rome. IFAD đàu tư vào người dân nông thôn, trao quyền cho họ để giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và tăng cường khả năng thích ứng của họ đối với biến đổi khí hậu. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo