Tôm, cá Việt 4 ngày có 3 tin vui tại thị trường Mỹ
Hàng điện tử và dệt may Việt Nam thêm cơ hội từ chiến tranh thương mại / Tiết lộ bí quyết nuôi con thần dược "ông sướng, bà cười"
Nhiều ý kiến cho rằng, khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới lớn Mỹ - Trung diễn ra, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tăng thị phần tại Mỹ.
4 ngày 3 “tin vui”
Những ngày qua, tôm cá Việt Nam liên tục nhận tin vui từ thị trường Mỹ. Đầu tiên, ngày 10.9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12, giai đoạn từ 1.2.2016- 31.1.2017). Theo đó, mức thuế cho công ty Fimex (Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, bị đơn bắt buộc) là 4,58% và mức thuế áp dụng cho tất cả các công ty khác cũng bằng với Fimex.
Như vậy, mức thuế CBPG tôm Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ trên 25% xuống chỉ còn dưới 5%. Đây được xem như một thắng lợi bước đầu của ngành tôm Việt Nam sau nhiều năm bị “kiện cáo” tại thị trường Mỹ. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.
Chỉ trong 4 ngày, tôm, cá Việt Nam nhận đến 3 tin vui từ thị trường Mỹ, chưa kể Mỹ đã chính thức áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản.
Chỉ 3 ngày sau đó, cũng chính DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó POR13. DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ, dự kiến vào khoảng tháng 1.2019.
Tiếp đó, ngày 14/9, Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa đề xuất công nhận hệ thống quản lý ngành cá Việt Nam tương đương với Mỹ, đồng nghĩa với việc Mỹ đề xuất công nhận Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào thị trường này.
Đây thực sự là những tin vui cho ngành tôm, cá tra Việt Nam. Riêng với cá tra, việc được FSIS đề xuất công nhậnlà một nỗlực lớn của toàn ngành khi mà trước đó, Luật Farmbill, sau đó là Chương trình Thanh tra cá da trơn đã khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã giảm mạnh từ giữa năm 2017 đến nửa đầu năm nay.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP nhận định, việc FSIS đề xuất công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường nhập khẩu khác hiện nay.
Trong khi đó, với những lợi thế về giá bán sản xuất thấp, sự có mặt lâu đời tại thị trường Mỹ cộng thêm việc tôm, cá liên tục được giảm thuế chống bán phá giá, Việt Nam có thêm nhiều điều kiện để cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thủy sản Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Với những "nội lực" và "ngoại lực" hiện có, nhiều ý kiến cho rằng, thủy sản Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Thuận Hải.
Xét về “nội lực”, ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng về số lượng và cao hơn về chất lượng của thị trường, đặc biệt là tại Mỹ.
Trong đó, thời tiết ở Việt Nam thuận lợi cho việc nuôi tôm quanh năm, Việt Nam cũng có trình độ nuôi tôm ở ngưỡng trên trung bình của thế giới, nhiều trại nuôi đã trình độ cao, đạt chuẩn nuôi quốc tế như ASC, BAP…
Còn về chế biến, Việt Nam có gần trăm nhà máy chế biến tôm với công suất chung 500.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Trong đó, nhiều nhà máy của Việt Nam có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn.
Liệu có may mắn lần thứ 3?
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ nhưng trên thực tế, tôm, cá Việt Nam vẫn đang phải từng ngày “chiến đấu” khó khăn tại thị trường này. Riêng cá tra, đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá minh thái… Đây được gọi là “cuộc chiến cá thịt trắng”.
Sau nhiều khó khăn, gần đây, các chứng nhận về chất lượng của ASC, WWF… phần nào có tác động tích cực đến hình ảnh cá tra Việt Nam tại Mỹ. Tiếp đó, mới đây, Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm về tranh chấp cá tra nhằm giải quyết những sự khác biệt trong hệ thống nuôi trồng, quản lý, chế biến… giữa Việt Nam và Mỹ.
Thế nhưng, "liệu Việt Nam có được may mắn lần thứ 3?” là câu hỏi mà Gorjan Nicolik, chuyên gia phân tích thủy sản của Rabobank đặt ra trong Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây dương, tổ chức tại Bergen (Nauy) đầu năm nay.
... nhưng liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được thời cơ?
Theo ông Hoè, với cơ chế công nhận tương đương như hiện nay, khi có những biến động lớn, Mỹ vẫn có thể ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Do vậy, song song với việc cố gắng để được công nhận tương đương, Việt Nam đã nộp đơn khiếu kiện Chương trình Thanh tra cá da trơn và yêu cầu tham vấn tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Chương trình Thanh tra cá da trơn không chỉ quá khắc nghiệt mà còn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) theo thoả thuận WTO giữa các quốc gia với nhau. Do vậy, chỉ khi WTO phán quyết biện pháp này không phù hợp với thoả thuận của WTO và bãi bỏ thì lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ mới thực sự yên tâm hoàn toàn”, ông Hòe nhận định.
Về rào cản thuế chống bán phá giá, hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế suất cao nhất kể từ trước đến nay trong POR13, ở mức 3,87 USD/kg. Mức thuế này khiến Việt Nam chỉ còn 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Trong khi, mức thuế trong POR14 vừa được công bố thấp hơn nhiều so với POR13, nhưng đó mới là kết quả sơ bộ. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2018, sẽ khó có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này, ngoại trừ những doanh nghiệp đang được hưởng mức thuế suất thấp như Vĩnh Hoàn, Biển Đông.
Mỹ hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn của tôm Việt Nam. Ảnh: Thuận Hải.
Hiện VASEP và các doanh nghiệp cá tra sang Mỹ đã tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ. Từ đó, yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các thông tin trong POR13.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Namcho rằng, để thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi. Dù quy trình này vẫn chưa hoàn chỉnh toàn toàn nhưng có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu khó tính nhất hiện nay, như Mỹ, EU…
Còn theo ông Lực, cần có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia và kiểm soát hệ thống cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn, thực hiện các vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập HTX nuôi hoặc tích tụ ruộng đất. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm Việt Nam, vì hiện, mức giá thành của Việt Nam vẫn còn cao, trên 1USD.
Theo thống kê của Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tính đến ngày 15.8.2018 đạt xấp xỉ 5,1 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức dự báo lạc quan, nếu xuất khẩu tôm 4 tháng cuối năm tăng nhẹ so với những tháng quathì tổng kim ngạch tôm năm 2018 có thể đạt khoảng 3,7 – 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn có chiều hướng tăng mạnh với mức tăng 20-25%. Tổng xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 2,1 - 2,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines