Thị trường

Tổng cục QLTT cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp Bắc Giang 3.000 tấn vải, giao chỉ tiêu cho 63 cục QLTT trên toàn quốc

DNVN- Tổng cục QLTT có công văn báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con ở Bắc Giang. Riêng đối với mặt hàng vải thiều, Tổng cục QLTT cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp Bắc Giang 3.000 tấn vải. Chương trình này sẽ được triển khai xuyên suốt đến 63 Cục trong cả nước.

Quản lý thị trường song hành cùng bước phát triển của ngành Công Thương / Lực lượng QLTT toàn quốc vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm

Vừa qua, để thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có báo cáo Bộ trưởng tình hình triển khai cụ thể cho kế hoạch này.
Ngay sau khi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ, Tổng cục đã tổ chức họp với các đơn vị trong Bộ cùng toàn lực lượng để quán triệt các nội dung. Ngay ngày 28/5/2021, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch của lực lượng triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT. Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các Cục QLTT các tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng... tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn; ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, xoài, hành tím...
Tại các điểm, chốt phòng dịch trên địa bàn, lực lượng QLTT phối hợp với lực lượng chức năng tạo điều kiện để phương tiện vận tải lưu thông hàng hoá nông sản tới điểm bán, kho lạnh bảo quản.
Tổng cục phát động phong trào tiêu thụ, sử dụng nông sản an toàn tại các Cục để lan toả đến người dân sử dụng nông sản an toàn. Mỗi Cục mua 01 tấn vải thiều Bắc Giang và các nông sản khác ví dụ khoai lang tím của Vĩnh Long mà ngày 1/6/2021 DNVN đã đưa tin.
Ông Đỗ Văn Phước, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang phát biểu về công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các tỉnh lân cận

Ông Đỗ Văn Phước, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang phát biểu về công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các tỉnh lân cận

Thủ trưởng các Cục là đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin 24/7 hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực hiện thu thập thông tin về sản lượng tiêu thụ trên địa bàn để xác định nhu cầu, sản lượng cần thiết cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc của phương tiện vận chuyển tại các điểm/chốt phòng dịch.
Các điểm bán hàng lưu động do KSV QLTT trực tiếp bán hàng là mô hình trực tiếp mà Tổng cục trưởng đã chỉ đạo

Các điểm bán hàng lưu động do KSV QLTT trực tiếp bán hàng là mô hình trực tiếp mà Tổng cục trưởng đã chỉ đạo

Tình hình thị trường nông sản từ giờ đến cuối năm 2021:Hiện nay, các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ cao như: vải thiều Bắc Giang, vải thiều Hải Dương, khoai lang tím Vĩnh Long, xoài và mận Sơn La, hành tím Sóc Trăng, dưa hấu ở miền Trung và tới cuối năm là thanh long Bình Thuận...

Đối với khoai lang tại Vĩnh Long, sản lượng thu hoạch khoảng 390.000 tấn khoai củ, giá khoai bị giảm sâu, từ 600 đồng đến 800 đồng/kg, tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với hành tím tại Sóc Trăng, sản lượng năm nay khoảng 100.000 tấn, sản lượng hành tồn tại thời điểm hiện nay là 32.253 tấn.
Đối với thanh long tại Bình Thuận, tổng sản lượng 700.000 tấn. Hiện nay, thị trường không xảy ra tình trạng ép giá, tiêu thụ có chậm, giá cả thấp nhưng không bị tồn đọng. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch rộ từ tháng 12/2021 đến tháng 01/2022, nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, kéo dài, việc tiêu thụ thanh long sẽ rất khó khăn.
Qua thời gian ngắn triển khai, Tổng cục có một số nhận định như sau:
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số lượng mặt hàng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ trong nước là rất nhiều, sản lượng lớn và chưa đến đỉnh của thời vụ, do vậy, lực lượng QLTT và các đơn vị liên quan phải chủ động, có nhiều sáng kiến, giải pháp phù hợp với từng địa phương và thời điểm.
Đối với hệ thống phân phối, hiện nay hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ phát huy ưu điểm tại các khu vực thành thị, đô thị. Tuy nhiên, người dân ở các nơi xa thành thị đang rất hạn chế đi lại. Do vậy, cần triển khai phương án bán hàng trực tiếp tại các huyện thị và bán hàng trực tuyến để đưa hàng tới tận tay người dân.
Cục QLTT Hòa Bình đang vận chuyển vải thiều về đơn vị để phân phối trực tiếp

Cục QLTT Hòa Bình đang vận chuyển vải thiều về đơn vị để phân phối trực tiếp

 

Đặc biệt với vải thiều tại Bắc Giang, ngày 31/5/2021, Tổng cục đã làm việc với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đề trao đổi Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang
Vải thiều của Bắc Giang, sản lượng toàn tỉnh là 180.000 tấn, vải đầu vụ là 45.000 tấn, chính vụ là 135.000 tấn. Từ đầu vụ đến ngày 31/5/2021, tỉnh Bắc Giang mới tiêu thụ được 16.478 tấn, giá bình quân giao động 22-32.000 đồng/kg. Giá thấp nhất 12.000 đồng/kg, giá cao nhất 55.000 đồng/kg, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 5.056 tấn, thị trường Nhật Bản 40 tấn và thị trường Mỹ 05 tấn (qua đường hàng không).
Tổng cục sẽ phối hợp với VNPost triển khai Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang theo 02 cách:
Bán hàng trực tiếp: thông qua mạng lưới vận tải, VNPost phối hợp với Cục QLTT Bắc Giang để đảm bảo nguồn cung vải thiều chất lượng, an toàn phòng dịch và lo toàn bộ khâu vận chuyển đến 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. VNPost sẽ cung cấp danh sách lái xe, phương tiện vận tải (container lạnh) đến Tổng cục và các Cục tại 63 tỉnh/thành phố để lực lượng QLTT tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông. Các Bưu cục thuộc VNPost thuê kho bảo quản lạnh (container di động) tại 63 tỉnh và phối hợp với các Cục QLTT phân phối tới các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh... Đặc biệt, các Đội QLTT sẽ tổ chức cả các điểm bán hàng lưu động đến khu vực xa trung tâm đô thị hoặc gần khu vực đông dân cư, khu công nghiệp để bán trực tiếp. Các địa bàn trọng điểm sẽ được giao tiêu thụ số lượng lớn là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
KSV QLTT Thái Bình thực hiện công tác hỗ trợ trong những ngày đầu triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương

KSV QLTT Thái Bình thực hiện công tác hỗ trợ trong những ngày đầu triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Bán hàng trực tuyến: thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn của VNPost, vải thiều Bắc Giang cũng sẽ được bán online cho từng cá nhân đặt hàng. VNPost sẽ gửi tin nhắn đến 60 triệu thuê bao điện thoại di động trên cả nước để giới thiệu Chương trình này.
Chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 05/6/2021 (khi bắt đầu vào chính vụ vải) đến hết tháng 7/2021 (hết vụ). Chương trình cam kết sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang. Bên cạnh đó Tổng cục sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông trên VTV, VOV, báo chí cả nước để phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Đặc biệt hơn cả Tổng cục yêu cầu và giao chỉ tiêu tiêu thụ cụ thể cho từng Cục QLTT để chủ động làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, khu công nghiệp, hội nông dân và để bán trực tiếp tại các điểm lưu động nhằm nhanh chóng kịp thời hoàn thành hiệu quả kế hoạch ngoài chuyên môn nhưng mang đậm ý nghĩa chính trị khi cơ quan chức năng đồng hành với bà con nông dân khắc phục khó khăn trong lúc dịch bệnh Covid -19 đang hoành hành.
Vũ Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm