TP.HCM: Đầy dẫy vi phạm trong quản lý đất đai, xử lý trách nhiệm người đứng đầu thế nào?
Tại quận Thủ Đức, Thanh tra TP.HCM chỉ ra hàng loạt thiếu sót của UBND quận Thủ Đức như: Lập và trình kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm tiến độ; xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm với chỉ tiêu đất ở không phù hợp và tăng cao so với quy hoạch;
Không đảm bảo tiến độ thống kê, kiểm kê đất đai hàng năm; thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo công tác bồi thường…
Theo đó, năm 2016, 2017 còn trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở) nhưng không đăng ký nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định.
Về tách thửa đất, quận Thủ Đức chưa đảm bảo pháp lý hình thành đường giao thông. Vẫn còn trường hợp không có quyết định thu hồi đất để làm đường giao thông; thu hồi đất để làm đường có diện tích ít hơn so với giấy cam kết hiến đất của người dân.
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại quận Thủ Đức. (Ảnh: NU)
Việc giải quyết hồ sơ tách thửa còn trường hợp không phù hợp quy hoạch đô thị (25 trường hợp); không thực hiện việc xin ý kiến thỏa thuận về quy hoạch kiến trúc đô thị của Sở Quy hoạch Kiến trúc trước khi cho phép tách thửa.
Thanh tra cũng chỉ ra thiếu sót, vi phạm của quận Thủ Đức về quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đất đai; xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan lĩnh vực đất đai…
Về công tác quy hoạch xây dựng, UBND quận Thủ Đức chưa chủ động phân loại 20/32 đồ án quy hoạch phân khu cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại công văn 5692 ngày 26/11/2018;
Chưa chủ động xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị riêng hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để làm cơ sở cấp phép xây dựng trên địa bàn dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền kết luận có thiếu sót.
Về công tác cấp giấy phép xây dựng, UBND quận chưa thực hiện xong các kiến nghị tại kết luận thanh tra 170 ngày 24/4/2019 của thanh tra Bộ Xây dựng về những thiếu sót trong trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng.
Về quản lý sau cấp phép, còn một số trường hợp chưa tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng; không lập biên bản vi phạm hành chính, không đảm bảo thời gian và trình tự, thủ tục theo quy định.
Từ năm 2016 đến năm 2017 số trường hợp xây dựng không phép có giảm. Tuy nhiên số vụ việc xây dựng không phép năm 2018 bắt đầu tăng, đến 2019 lại tăng cao, chiếm hơn 50% tổng số vụ việc của 3 năm.
Kết luận Thanh tra TP.HCM xác định UBND huyện Củ Chi có hành vi vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hàng loạt công trình.
Còn huyện Củ Chi, theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, huyện này vẫn đang tồn tại nhiều công trình không phép, sai phép do trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện và các xã.
Theo đó, có 643 trường hợp xây dựng không phép, 46 trường hợp xây dựng sai phép. Đến thời điểm thanh tra, huyện vẫn còn 21 trường hợp xây dựng không phépvà 7 trường hợp sai phép chưa xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, Thanh tra TP.HCM kiểm tra thực tế 102/16.779 công trình được cấp phép xây dựng tại các xã, ghi nhận một số công trình xây dựng đúng nội dung giấy phép được cấp, tuy nhiên quá trình đưa vào sử dụng sai mục đích và thành nhà xưởng, kho hoặc nhà trọ cho thuê… Việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép chưa được chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời, để người dân tự ý phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
Kết luận thanh tra cũng nêu từ năm 2017, UBND huyện đã chấm dứt ban hành các văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng công trình và văn bản chấp thuận cho phép tồn tại các công trình là chưa đúng.
Đồng thời, UBND huyện Củ Chi cấp giấy phép xây dựng, có bản vẽ được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng có nhiều hạng mục hình thành nhà ba chung và cấp giấy phép xây dựng khi chưa đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư đã chuyển nhượng từng căn nhà riêng biệt bằng hình thức vi bằng, không đúng quy định, dẫn đến hậu quả phức tạp cho người mua. Từ đó, người mua sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, có thể phát sinh các tranh chấp.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm Thanh tra TP.HCM kiến nghị huyện Củ Chi tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm và khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm. Thanh tra cũng kiến nghị giao Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Đồng thời, Sở TN&MT chấn chỉnh, rút kinh nghiệm việc thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Củ Chi và giao Ban quản lý đô thị khu Tây Bắc Củ Chi rà soát, kiểm tra các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất các trường hợp trong ranh khu dân cư hiện hữu. Giao giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các thiếu sót, vi phạm nêu trên của lãnh đạo UBND huyện Củ Chi theo thời kỳ phát sinh vụ việc. Đối với sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đại tại quận Thủ Đức, Thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận Thủ Đức chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, không để phát sinh sai phạm khó khắc phục, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ vi phạm của các cá nhân, tập thể liên quan… Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố giao Sở Nội vụ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, với vai trò tổ trưởng tổ công tác đã cho tách thửa đất chưa được thoả thuận chỉ tiêu quy hoạch đô thị kiến trúc; trong vai trò là người đứng đầu để xảy ra tình trạng xây dựng không phép gia tăng trong năm 2018 và 2019. Giao Sở TN&MT kiểm tra, rà soát lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết quả kiểm kê, thống kế đất đai của UBND quận Thủ Đức. Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm về công tác thẩm định trình UBND TPHCM duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND quận Thủ Đức |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao