TPHCM: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ngay sau dịch Covid-19
“TP. Hồ Chí Minh là lò xo nén đủ rồi, hãy bung ra ngay và trở lại chính mình” / Giá vàng hôm nay (9/5): Tăng vọt
"Điểm sáng" của bức tranh kinh tế
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn chảy mạnh vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) của TP.HCM.
Theo đó, Ban quản lý các KCX-KCN (Hepza) TP.HCM cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, tổng vốn đầu tư thu hút từ đầu năm đến nay (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 118 triệu USD, tăng 86%. Trong đó, tập trung tăng mạnh ở 11 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 60,51 triệu USD, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2019. Có 6 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 5,48 triệu USD, giảm 74,25% so với cùng kỳ năm 2019. Dù giảm nhưng trong cơ cấu đầu tư mới, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt tăng mạnh.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư trong nước đạt 51,77 triệu USD, tăng 37,27% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới 13 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 37,76 triệu USD, tăng 26,55%. Ngoài ra, có 12 dự án điều chỉnh tăng 14,02 triệu USD, tăng gần 78%.
Trong thời gian tới, để thu hút đầu tư vào KCN-KCX, Hepza cũng đang có chính sách ưu đãi đầu tư cho kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm, kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo chủ trương mới của Chính phủ, ưu đãi giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hepza cũng đang tích cực triển khai mạnh giải pháp thắt chặt kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng người lao động như: vận động, khuyến khích doanh nghiệp đánh giá tiêu chí an toàn với dịch bệnh bằng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn với dịch bệnh Covid-19 trong doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp kí các cam kết đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vận động tuyên truyền người lao động giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tụ tập khu vực đông người.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn chảy mạnh vào các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM.
Trước diễn biến nhiều nhà đầu tư đang “dời căn cứ” về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khó dự đoán bởi dịch Covid-19, nhưng Việt Nam hiện là nước được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19 nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem đây là điểm đến an toàn. Đồng thời, Việt Nam đang là điểm đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á khi các nhà đầu tư Châu Âu, Hoà Kỳ , Nhật Bản… quyết tâm dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Ông Lê Hoài Quốc - nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cũng nhận định các nhà đầu tư thường không muốn dịch chuyển sản xuất sang vị trí quá xa so với Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong đón sóng đầu tư này.
Động thái mới đây nhất là Apple đăng tuyển nhiều vị trí tại Hà Nội, TP.HCM thời gian gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy "quả táo khuyết" đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi sản xuất ra ngoài Trung Quốc, nhất là khi các nhà máy của hãng tại đây buộc đóng cửa dài hạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Hơn thế nửa, với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, việc các công ty Mỹ tìm kiếm một nơi khác để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là dễ hiểu. Việt Nam cũng đã có nhiều công ty sản xuất, gia công linh kiện cho một số sản phẩm của Apple…
“Với vị trí của Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay, có khả năng Apple dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng họ cũng có thể cân nhắc lựa chọn ở một số quốc gia khác" - ông Lê Hoài Quốc nêu quan điểm.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay một số nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu thông tin về việc thuê các khu đất có diện tích lớn trong các KCX, KCN tại TP.HCM để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư trong thời gian sắp tới. Một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm đến hoạt động này.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong khu công nghệ cao cũng có xu hướng đầu tư các nhà xưởng cao tầng tại các KCX-KCN để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các yếu tố này sẽ tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư của các KCX-KCN TP.HCM trong thời gian tới.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là mục tiêu hàng đầu của TP.HCM, thông qua các giải pháp cụ thể, hiệu quả, kịp thời. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được thành phố triển khai, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, TP.HCM cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để tạo điểm đến an toàn cho doanh nghiệp.
Với cam kết đảm bảo sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra, lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong, tổ công tác liên ngành về đầu tư sẽ họp ngay khi có dự án đầu tư vào thành phố. Đây là Tổ công tác đặc biệt của TP.HCM do đích thân Chủ tịch UBND làm tổ trưởng có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp đến khi dự án được cấp phép hoạt động.
Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác. Tổ công tác đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định. Quan điểm xuyên suốt của thành phố là dù doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI đều bình đẳng trước pháp luật. TP.HCM cam kết giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối triển khai cũng như tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị và phản hồi đến từng doanh nghiệp.
Về định hướng thu hút FDI, TPHCM ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ. Do vậy, thành phố thu hút có chọn lọc các tập đoàn, công ty có quy mô lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao vào đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trong năm 2020 một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền thành phố...
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cho biết: Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thành phố sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh