Triển khai cơ chế Sandbox: Mới dừng ở mức 'nói' mà 'chậm làm'
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số đã nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về tình hình triển khai cơ chế sandbox tại Tọa đàm "Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam". Sự kiện do Báo Đầu tư phối hợp cùng CTCP Truyền thông E.Life tổ chức sáng 07/11 tại Hà Nội.
Là công cụ để để sáng tạo, Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng. Việc thử nghiệm nhằm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh để dẫn dẳt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình.
Nhiều điểm nghẽn
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đã nêu lên bức tranh chung về tình hình triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp, đặc biệt với những ngành kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, Fintech,… đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ tạo lập khung khổ chính sách tới hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó tư duy chấp nhận những cái mới chưa có tiền lệ là quan trọng nhất.
“Đây không chỉ là yêu cầu riêng rẽ tại Việt Nam, mà với kinh nghiệm thực tế trên thế giới, khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox” đã được hơn 30 nước sử dụng sau khi ra đời tại Vương quốc Anh năm 2015. Thực tế đã chứng minh rằng, sandbox là cái nôi để cho các ý tưởng mới, các công nghệ mới có dư địa phát triển, các doanh nghiệp startup rất cần một môi trường như vậy”, ông Minh nói.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số, việc thực thi cơ chế "thử nghiệm pháp lý" (regulatory sandbox) nhằm thúc đẩy kinh tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thực hiện cơ chế “thử nghiệm pháp lý” duy chỉ còn Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại phía sau vì vẫn tiếp tục “bàn” nhưng chưa thấy kết quả. Điều này khiến mục tiêu đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực và là nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số” ngày càng trở nên xa vời.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của “nền kinh tế chia sẻ” dù chưa có hành lang pháp lý chính thức. Các lĩnh vực vận tải, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch, công nghệ tài chính là ba lĩnh vực chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Trong bối cảnh khi không có sandbox cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, thì việc thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài (Singapore, Estonia, v.v.) để kinh doanh tại Việt Nam trở thành một kênh “phòng tránh rủi ro” pháp lý phổ biến.
Bên cạnh đó, ông Đồng cho rằng, một môi trường pháp lý “tranh tối, tranh sáng” và việc thực thi pháp luật còn thiếu sự nhất quán có thể tạo ra rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro “hồi tố”, cũng như thất thoát cho Nhà nước như thất thu thuế, tạo ra các thị trường phi chính thức.
"Bản thân các đề án như “Đề án Kinh tế chia sẻ”; “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia” không trực tiếp hình thành “regulatory sandbox” mà chỉ mang tính định hướng. Với mô hình “quản lý theo ngành” như Việt Nam, thực chất thẩm quyền lập quy và cấp phép nằm trong tay các bộ. Thiếu phối hợp giữa các bộ, lẫn tâm lý “sợ rủi ro” của các bộ, trong khi thiếu áp lực cần thiết từ Chính phủ, là nguyên nhân khiến sandbox đình trệ, chỉ dừng ở mức “nói” mà “chậm làm”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận, mặc dù ở tầm vĩ mô, Chính phủ luôn nêu cam kết cao cho việc thúc đẩy “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “Make in Vietnam” thì ở tầm thực thi, các kết quả đạt được lại chưa rõ nét. Cả Chính phủ lẫn lãnh đạo các bộ đều tuyên bố ủng hộ sandbox, và đều đặt ra nhiều mốc thời gian khác nhau và các “hứa hẹn” sandbox, nhưng đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang là nước duy nhất trong nhóm 5 nước trong khu vực (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) chưa thực sự thực thi Sandbox. Bản thân các đề án như “Đề án Kinh tế chia sẻ”, “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia” không trực tiếp hình thành “regulatory sandbox” mà chỉ mang tính định hướng.
Cũng đánh giá về tình hình phát triển regulatory sandbox, TS. Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban NCPL Dân sự- Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, trong một vài năm trở lại đây, regulatory sandbox là một trong những vấn đề được đề cập khá nhiều trong các diễn đàn chính sách về phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyên gia thường xuyên đề xuất về mô hình này và bản thân các nhà quản lý cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xây dựng các regulatory sandbox. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các regulatory sandbox để thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới dường như vẫn vắng bóng ở Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Quang Hồng, sự vắng bóng các regulatory sandbox trên thực tiễn mặc dù đã có sự nhất quán về mặt ý chí cho thấy việc triển khai regulatory sandbox trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.
"Với tư cách là một môi trường pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ, regulatory sandbox gắn liền với sự cho phép và giám sát của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực. Các cơ quan này về bản chất là những cơ quan hành chính, thực thi vai trò chấp hành pháp luật, các hoạt động của họ phải dựa trên những quy tắc pháp lý cụ thể. Trong khi đó, regulatory sandbox chỉ áp dụng đối với những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới, chưa có quy tắc pháp lý cụ thể điều chỉnh hoặc quy tắc hiện hành không phù hợp", bà Trần Thị Quang Hồng khẳng định.
Để nhanh chóng hiện thực hóa Sanbox
Bà Trần Thị Quang Hồng cho biết, việc triển khai regulatory sandbox đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể. Đồng thời, sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để đảm bảo quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm. Đây là những vấn để cần được giải quyết để thúc đẩy sự hình thành các regulatory sandbox ở Việt Nam.
"Một hành lang pháp lý rõ ràng là điều kiện cần thiết để đảm bảo regulatory sandbox thực sự là những không gian pháp lý thân thiện cho các ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời là giải pháp cho các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo pháp luật thích ứng được với vấn đề mới nảy sinh từ công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay", bà Hồng nêu.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca phát biểu: Chúng tôi luôn ủng hộ việc ban hành cơ chế sandbox trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn diện từ đó thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới mẻ nên cần phải đưa vào triển khai mới tìm được giải pháp.
Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca
"Ở đây, cơ quan quản lý tạo cơ chế để cho các doanh nghiệp triển khai, sản phẩm sẽ được xã hội đánh giá, thông qua đó sẽ tìm được những điểm vướng mặc, khắc phục hạn chế và phát huy được những điểm mạnh để đưa ra một giải pháp tốt nhất. Nếu chúng ta nhìn nhận đây là một cơ chế hiệu quả, bắt kịp với thời đại mà không triển khai thì sẽ đi chậm hơn so với thế giới bên ngoài", ông Việt Bình nêu quan điểm.
Đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng chậm trễ trong triển khai và thực thi Sandbox, ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị hai giải pháp tập trung cho hai vấn đề, đó là tạo hành lang pháp lý cho sandbox nói chung và thực thi cấp phép sandbox.
Theo đó, Chính phủ cần thành lập ngay tổ công tác của Chính phủ về sandbox gồm lãnh đạo các bộ chính gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước để điều phối và thực thi thống nhất tầm nhìn chính sách của Chính phủ về chính sách công nghệ. Đầu mối chịu trách nhiệm của tổ công tác nên là Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ công tác cần hoàn thiện và đệ trình Chính phủ quy trình pháp lý và hướng dẫn thực thi “cơ chế thử nghiệm pháp lý” cho các sản phẩm công nghệ.
Ngoài ra, cần thành lập một Văn phòng quốc gia về sandbox nhằm thực hiện chức năng “một cửa” tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được cấp phép thử nghiệm. Văn phòng này vừa có chức năng nhận thông tin, tư vấn ban đầu cho start-up, vừa giúp sàng lọc và hỗ trợ thông tin, và sau đó tiến tới giai đoạn nhận hồ sơ và cấp phép.
Nhấn mạnh vai trò của Sandbox trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia, ông Đào Đình Khả - Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu: Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đi đầu trong việc thử nghiệm, đánh giá và xây dựng các chính sách mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng như hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng chính sách liên ngành nhằm đáp ứng thực tế phát triển mới.
Việc cần áp dụng Sandbox cho chuyển đổi số là rất cần thiết, để điều chỉnh các mô hình kinh doanh cũ được phát triển dựa trên các công nghệ đã được phát minh trước đây, rất khó để giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, có tính đột phá, mà vẫn tuân thủ các quy định pháp lý có tính ràng buộc cao như hiện nay. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, chúng ta cũng chưa biết được kết quả ra sao nếu không bắt tay vào thực hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ