Trung tâm đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế lớn đã phát triển ra sao?
Để bạn đọc hiểu thêm về vai trò đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập giới thiệu một số trung tâm đổi mới sáng tạo của những nền kinh tế lớn trên thế giới.
Vietnam Airlines cán mốc lợi nhuận gần 2.800 tỷ đồng năm 2018 / Năm 2019 rủi ro nào đang chờ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra?
Australia
Trung tâm đổi mới sáng tạo Australia được thành lập vào năm 1992 dưới hình thức Trung tâm đổi mới và cạnh tranh quốc tế Úc (ACIIC) với tư cách là một công ty phi lợi nhuận và độc lập. Trung tâm đã tham gia sâu sắc vào việc phát triển nhận thức về bản chất thay đổi của nền kinh tế tri thức toàn cầu, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và tư vấn trong các lĩnh vực đổi mới, nghiên cứu và các chính sách công nghệ.
Tương lai thành công của nền kinh tế Australia phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển chiến lược và chính sách hiệu quả cho khoa học, công nghệ và đổi mới trong cả 2 khu vực công và tư nhân. Do đó, hướng đi ban đầu của trung tâm bao gồm đổi mới trong ngành dịch vụ và tri thức; đổi mới phát triển kinh tế khu vực. Cho tới nay, các mục tiêu và hoạt động của trung tâm đã chuyển đổi theo thời gian để duy trì tập trung vào các vấn đề hiện tại và tương lai.
Trung tâm xây dựng các hoạt động nhằm tăng cường khả năng mở rộng tầm nhìn phát triển; phát triển sự tương tác hiệu quả giữa nghiên cứu và hoạt động thương mại; bắt đầu chương trình nghiên cứu lớn về tương lai việc làm và thiết kế cũng như cung cấp các phương pháp học tập mới để đổi mới nâng cao tinh thần kinh doanh.
Theo đó, trung tâm đã phân tích các công nghệ mới nổi và xác định tác động tiềm năng của ngành, thị trường, môi trường xã hội; xây dựng và đánh giá các chiến lược đổi mới và công nghệ cho các công ty; thúc đẩy đổi mới phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vi mô; thiết kế và đánh giá các cơ chế tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp; tạo điều kiện tham gia và tìm hiểu vấn đề giữa các bên khác nhau, chia sẻ các công nghệ mới và ảnh hưởng tiềm năng của chúng đối với cơ hội kinh doanh, yêu cầu kĩ năng và thách thức tạo ra cơ sở cho việc xây dựng chiến lược mới; thiết kế và cung cấp những khóa học giảng dạy và đào tạo hàng đầu để trang bị kỹ năng trở thành người quản lý, đổi mới và trở thành doanh nhân thành công.
CIC hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mới sáng tạo và tăng cường đổi mới trong các doanh nghiệp hiện có.
Cụ thể, về mặt xây dựng chính sách khoa học và công nghệ cùng đánh giá nghiên cứu, trung tâm chịu trách nhiệm thiết kế và phân phối toàn diện các khóa học về quản lý, đổi mới và tinh thần kinh doanh trong khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin tại đại học Sydney.
Các khóa học này dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của nhân viên thuộc Trung tâm đổi mới và quản lý công nghệ trong ngành công nghiệp và trong hoạch định chính sách. Họ sẽ cung cấp cho sinh viên kỹ thuật cơ hội tiếp xúc thực hành chuyên nghiệp, phát triển kỹ năng.
Ngoài ra một số các khóa học khác cũng được trung tâm triển khai như khóa học thiết kế sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với nhu cầu một cộng đồng cụ thể với cơ hội kinh doanh và cơ sở hạ tầng hạn chế, khóa học đổi mới và doanh nhân dạy sinh viên quy trình lập kế hoạch và quản lý phức tạp, nhanh chóng chuyển đổi một ý tưởng kỹ thuật tốt thành thực tế thương mại , khóa học về giao tiếp thương mại giúp sinh viên quản lý khách hàng, lập kế hoạch và giao hàng, thiết lập mối quan hệ giữa các bên.
Cùng với đó, trung tâm cũng đã tổ chức các kì hoạt động với tên gọi “Phát minh tương lai” dành cho sinh viên. Đây là một chương trình độc đáo cho sinh viên tại các khoa Khoa học, Kiến trúc, Kỹ thuật và CNTT của đại học Sydney và trường kinh doanh Sydney.
Chương trình thu hút sinh viên bởi quá trình đổi mới từ ý tưởng, tạo ra sân chơi cho ngành học thông qua sự liên kết với các giảng viên. Sinh viên thường chọn các chủ đề về năng lượng , sức khỏe, vệ tinh… có tác động kinh tế xã hội cao và có liên kết với thế mạnh nghiên cứu trong trường. Sau đó, sinh viên sẽ triển khai hợp tác để tìm hiểu, thiết kế tập trung vào con người, cơ hội, và cuối cùng sinh viên được yêu cầu thử nghiệm chính ý tưởng của mình.
Song song với các nỗ lực từ phía trung tâm đổi mới sáng tạo, chính phủ Australia cũng rất quan tâm tới đổi mới quốc gia và có nhiều cách thức đa dạng hỗ trợ đổi mới. Có thể kể đến như các hỗ trợ nghiên cứu của các học giả chủ yếu từ các trường đại học, đầu tư vào không gian sản xuất, xây dựng các khu “vườn ươm” kinh doanh để thu hút các doanh nhân cùng các nhà đầu tư.
Trong khoảng thời gian 2015-2016, chính phủ Úc đã chi 10,1 tỷ đô la cho nghiên cứu và các biện pháp hỗ trợ đổi mới. Một phần ba chi tiêu này hướng đến lĩnh vực kinh doanh, chủ yếu thông qua các biện pháp thuế nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D).
Hoạt động nghiên cứu của chính phủ chiếm một phần năm khoản đầu tư và phần còn lại phục vụ cho nghiên cứu tại các trường đại học và khu vực nông thôn. Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Quốc gia Chuột túi sẽ không dừng lại tại đây. Với sự kết hợp và ủng hộ tích cực từ chính phủ, trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng phát triển, đưa đất nước ngày càng đi lên.
Canada
Trung tâm đổi mới sáng tạo của Canada (CIC) đã liên tục đi đầu trong đổi mới đất nước trong suốt hơn 35 năm nay. Trung tâm hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mới sáng tạo và tăng cường đổi mới trong các doanh nghiệp hiện có.
CIC có nhiều kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp trên mọi quy mô, cung cấp đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ. Các dịch vụ độc quyền của trung tâm được phát triển dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu và kinh nghiệm trực tiếp làm việc với các nhà cải cách tuyến đầu.
Kinh nghiệm và hiểu biết của trung tâm đổi mới sáng tạo đóng góp trực tiếp và nỗ lực đầu tư hướng tới sự phát triển thành công và đổi mới cho đất nước. Ngoài công việc trong khu vực tư nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo Canada còn hợp tác với các học viện và chính phủ.
Trung tâm làm việc với các trường đại học hàng đầu của Canada trong các lĩnh vực giáo dục đổi mới và thương mại hóa các nghiên cứu. CIC cũng phối hợp với chính phủ bằng cách đưa ra hướng dẫn và hiểu biết sâu sắc của mình cho các nhà hoạch định chính sách Canada quan tâm đến việc thúc đẩy sự đổi mới tiến lên phía trước. Trung tâm đổi mới sáng tạo Canada thường xuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tối ưu nhất cho các doanh nghiệp và doanh nhân.
Với sự kết hợp và ủng hộ tích cực từ chính phủ, trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng phát triển, đưa đất nước ngày càng đi lên.
Có thể kể đến chương trình hỗ trợ các nhà đổi mới (IAP) là một dịch vụ cố vấn kinh doanh được thiết kế đặc biệt để hướng dẫn các công ty liên doanh giai đoạn đầu hoặc các công ty gặp khó khăn trong xử lý các rào cản kinh doanh.
Đây là cơ hội lý tưởng cho các doanh nhân mới tìm kiếm hướng dẫn từ các vấn đề lớn nhỏ một cách toàn diện và họ xây dựng sáng kiến của mình với sự giúp đỡ của một đội ngũ giàu kinh nghiệm hoặc các mối quan hệ tin cậy, lâu dài dựa trên tiếp xúc thường xuyên.
Không chỉ có các dịch vụ đặc thù cho từng vấn đề trong kinh doanh, trung tâm CIC còn tổ chức các hội thảo quản lý đổi mới. Các hội thảo thảo luận các vấn đề bao gồm xác định rào cản trong quá trình đổi mới, xây dựng tiêu chí đánh giá cơ hội đổi mới, thiết kế quy trình đổi mới, tạo ra một nền văn hóa đổi mới nhằm tăng cường tốc độ đổi mới và tỷ lệ thành công.
Hội thảo mang lại cho các doanh nghiệp tham gia nhiều lợi ích như cung cấp cách tiếp cận có hệ thống để giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, chỉ ra yếu tố quan trọng nào cần được xem xét khi thực hiện đổi mới, xem xét các khu vực mang chức năng khác nhau, đánh giá chiến lược các cơ hội đổi mới cạnh tranh gồm nghiên cứu, hoạt động tài chính, công nghệ thông tin, tiếp thị và bán hàng.
CIC đưa ra quan điểm rằng “ý tưởng” chỉ là một phần của quá trình đổi mới. Đổi mới chỉ thành công khi các tổ chức hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của họ và thách thức cũng bắt đầu từ đây. Hầu hết các công ty khá dễ dàng trong việc sáng tạo ý tưởng nhưng thử thách thực sự nằm ở việc họ quản lý tài nguyên như thế nào trong quá trình thực hiện.
Đây là lí do tại sao CIC đã phát triển phương pháp tiếp cận Inno-Gate™ để quản lý đổi mới. Phương pháp này dựa trên công trình nghiên cứu của Bob Cooper (cựu giám đốc nghiên cứu tại CIC) và viện Stage-Gate, tập hợp các phương pháp hay nhất trong các lĩnh vực về ý tưởng, phát triển sản phẩm mới, quản lý dự án. Quá trình này không chỉ làm tăng khả năng thực hiện dự án thành công mà còn giúp tập trung nguồn lực để có được hiệu quả tốt nhất.
Trung tâm đổi mới sáng tạo Canada có thể nói là một lựa chọn tối ưu dành cho các doanh nghiệp và một nhân tố hàng đầu trong sáng tạo và kinh doanh của đất nước.
Singapore
Trong những năm trở lại đây, Singapore đã thể hiện được nơi đây là trung tâm đổi mới nghiên cứu và phát triển tại khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới. Ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty trên toàn khu vực tiếp tục đối mặt với những thách thức từ công nghệ đột phá mới.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn bắt tay vào đổi mới công nghệ có thể tìm đến và khai thác một loạt các nguồn lực có sẵn tại 1 trong 8 Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (COI). Từ các cơ sở phòng thí nghiệm đến các khóa tư vấn và đào tạo, các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ trong việc phát triển và thử nghiệm các dự án công nghệ.
Trung tâm sáng tạo đổi mới gồm 8 trung tâm được thành lập cùng với sự hợp tác của các viện nghiên cứu, Mỗi trung tâm chuyên về một ngành công nghiệp khác nhau. Cùng với nhau, các COI bao gồm trung tâm chuyên về thiết bị điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, môi trường và nước, thực phẩm, hàng hải, nguyên vật liệu và các ngành công nghiệp kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao.
Singapore đã thể hiện được nơi đây là trung tâm đổi mới nghiên cứu và phát triển tại khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới.
COI cung cấp cho các khách hàng là doanh nghiệp toàn diện bộ công cụ thiết thực và hữu ích trong quá trình hoạt động kinh doanh. Bộ công cụ dịch vụ khách hàng giúp xây dựng một cơ sở khách hàng trung thành bằng cách nâng cao trải nghiệm dịch vụ và mang lại lợi nhuận cao hơn.
Bộ công cụ quản lý tài chính nhằm đánh giá tình hình tài chính của chủ doanh nghiệp để quản lý tốt hơn tài chính của công ty. Bộ công cụ nguồn nhân lực phát huy tốt nhất lực lượng lao động và tăng cường quản lý nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Bộ công cụ tiếp thị hướng đến đề xuất giá trị công ty, tìm hiểu hướng phát triển các chiến lược tiếp thị để thúc đẩy cạnh tranh. Thu hút và phát triển tài năng chính là phát triển các kỹ năng của nhân viên hoặc sớm thu hút nhân tài thông qua các cố vấn, các chương trình nâng cấp kỹ năng.
Vấn đề đổi mới phát triển đất nước cũng luôn được chính phủ Singapore quan tâm. Chính phủ đã có sự thay đổi chính sách để thúc đẩy đổi mới. Theo kế hoạch nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp của chính phủ (RIE 2020), 19 tỷ đô la Singapore (13,9 tỷ đô la Mỹ) sẽ được đầu tư vào năng lực nghiên cứu và phát triển R&D, đổi mới doanh nghiệp và khởi nghiệp trong vòng 5 năm tới.
Các loại hỗ trợ như trên tập trung vào các lĩnh vực chiến lược được coi là lĩnh vực tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Các lĩnh vực bao gồm sản xuất và kỹ thuật tiên tiến, khoa học y tế và y sinh, giải pháp đô thị và tính bền vững, dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số.
Ngoài ra, phía chính phủ còn thiết lập một chế độ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ cho các phát mình mới và thậm chí có thể là nguồn cung cấp như cầu chính cho các công nghệ tiên tiến như xe tự lái. Đồng thời chính phủ cũng khuyến kích thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp lành mạnh hơn.
Quả thực, nhờ định hướng đổi mới được ủng hộ bởi chính phủ và các hoạt động hỗ trợ thiết thực từ trung tâm đổi mới sáng tạo, chỉ trong 50 năm, Singapore đã chuyển mình từ một nền kinh tế ít tài nguyên thiên nhiên trở thành một đô thị toàn cầu thịnh vượng và sự đổi mới này sẽ không ngừng phát triển, làm giàu mạnh thêm cho đất nước.
Đổi mới là một phần trong khuôn khổ “United in Knowledge” thuộc chương trình Tầm nhìn 2021, tập trung vào đổi mới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
UAE đã nâng cao vị thế của mình trong chỉ sổ đổi mới toàn cầu năm 2017 đứng đầu tất cả các nước Ả Rập và đứng thứ 35 trên toàn cầu, tiến lên 6 bậc so với vị trí thứ 41 vào năm trước đó, củng cố vị thế là một trong những quốc gia đổi mới nhất thế giới.
Một bước thay đổi quan trọng giúp UAE đạt được mục tiêu trên chính là thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo chính phủ Mohammed Bin Rashid. Khác với các quốc gia khác, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia có thể thuộc thành phần tư nhân nhận sự ủng hộ của chính phủ, còn tại UAE, chính phủ đã tự thành lập và toàn quyền xây dựng trung tâm phục vụ cho phát triển đất nước.
Trung tâm đổi mới sáng tạo chính phủ Mohammed Bin Rashid được thành lập nhằm kích thích và làm phong phú văn hóa đổi mới trong khu vực chính phủ thông qua phát triển khuôn khổ tích hợp.
Mục tiêu là để đổi mới trở thành một phần quan trọng trong chính phủ UAE, phù hợp với tầm nhìn của phó tổng thống, thủ tướng UAE và là người cai trị Dubai, Sheikh Mohammed Bin Rashid AlMaktoum hướng đến phát triển hoạt động của chính phủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của UAE.
Đối với những ý tưởng đổi mới tạo nên sự khác biệt, chính phủ và trung tâm cung cấp một không gian đa năng, đẳng cấp thế giới cho các cuộc thử ngiệm và thúc đẩy đổi mới trong nước, trong khu vực và cả quốc tế.
Trung tâm trọng tâm về các hoạt động như thiết kế và tổ chức các phòng thí nghiệm đổi mới để thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo, tìm ra giải pháp cho các thách thức trong hợp tác giữa các tổ chức chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan; thành lập các phòng thí ngiệm đổi mới để đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn mà chính phủ phải đối mặt trong các lĩnh vực cốt lõi như dịch vụ, quy trình và chính sách.
Ngoài ra các phòng thí nghiệm dùng cho đổi mới chuyên ngành, cung cấp hỗ trợ ở cấp chính quyền liên bang và địa phương cũng được thành lập cùng với khám phá xu hướng đổi mới mới nhất và giới thiệu các ý tưởng, chủ đề mới lạ để thử nghiệm.
Nhằm thực hiện quan điểm “đổi mới từ quốc gia”, trung tâm mong muốn thúc đẩy văn hóa đổi mới trong khu vực chính phủ UAE thông qua việc xây dựng quan hệ đối tác và trở thành trung tâm toàn cầu cho đổi mới và thực tiễn tốt nhất.
Các hoạt động được đưa ra bao gồm xây dựng quan hệ đối tác và mạng lưới với các thực thể hàng đầu toàn cầu để chia sẻ kiến thức và thực tiễn; phát triển các chương trình khuyến khích và trao giải thưởng cho các nhà đổi mới; phân tích tài liệu tất cả các trường hợp đổi mới của UAE và trên thế giới.
Trung tâm đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động. Có thể kể đến chương trình “Văn bằng cho đổi mới’ được thực hiện với sự hợp tác của đại học Cambrigde ở Anh. Chương trình này nhằm mục đích hỗ trợ kế hoạch của chính phủ để chuẩn bị một thế hệ CEO sáng tạo trong các thực thể chính phủ.
Phòng thí nghiệm đổi mới của chính phủ cũng được đưa vào hoạt động. Các phòng thí nghiệm bao gồm các phiên và hội thảo tương tác, sử dụng các phương pháp sáng tạo nhằm truyền cảm hứng và tìm giải pháp cho thách thức mà các thực thể chính phủ phải đối mặt.
Ngoài ra còn có các talkshow Ibtikar mang đến sự chuyển đổi toàn diện trong mô hình hoạt động của chính phủ bằng cách tăng cường hiệu quả của các quy trình, theo kịp sự phát triển công nghệ mới nhất. Từ đó hình thành các sáng kiến tăng cường hợp tác quốc gia giữa các thực thể chính phủ khác nhau và kích thích đổi mới trong các lĩnh vực quan trọng.
Trên đà phát triển như vậy, có thể chỉ vài năm nữa thôi UAE sẽ không dừng tại vị trí thứ 35 mà còn đạt thứ hạng cao hơn thế nữa, thế giới có thể kì vọng nhìn thấy tên UAE trong top các quốc gia đi đầu về đổi mới trên toàn cầu.
Nepal
Nepal vẫn là một nước kém phát triển chính là vì không có nhiều đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế. Nepal nhập khẩu hơn 90% sản phẩm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau và chỉ xuất khẩu 10% sản phẩm để thu về ngoại tệ dẫn đến thâm hụt thương mại vô cùng lớn.
Do đó, một cuộc “đại tu” kinh tế là điều cần thiết để Nepal trở thành một nước phát triển trong thế kỷ 21. Để làm được điều đó, quốc gia này cần dành ưu tiên cao nhất cho khoa học, sáng tạo công nghệ và đổi mới nhằm đảm bảo cơ sở bền vững cho các động cơ tăng trưởng sau này.
Tuy nhiên, chính vì là một quốc gia đói nghèo dẫn đến hệ quả nhiều tài năng của đất nước đã ra đi để tìm một cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Đây là mất mát to lớn và đáng xấu hổ đối với một nước nghèo như Nepal.
Trong bối cảnh đất nước còn yếu kém như vậy, trung tâm đổi mới và sáng tạo quốc gia Nepal (NIC) đã chính thức được thành lập vào năm 2012 với mong muốn giữ lại nguồn nhân lực tài năng, nuôi dưỡng các sáng tạo và thúc đẩy phát triển, hướng tới tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tầm nhìn của NIC ngoài giới thiệu văn hóa nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Nepal còn giúp nuôi dưỡng các hệ sinh thái dựa trên đổi mới bằng cách sử dụng kết hợp hai phương pháp tiếp cận.
Một là, đối với phương pháp cơ sở, trung tâm dự định thiết lập mạng lưới các trung tâm đổi mới cơ sở ở các cộng đồng nông thôn với ý tưởng cung cấp công cụ và tài nguyên hỗ trợ người dân nông thôn sáng tạo và ấp ủ ý tưởng của họ. Như vậy không chỉ giải quyết thách thức đổi mới tại khu vực nông thôn mà còn đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Hai là, phương pháp tiếp cận từ trên xuống: NIC xây dựng cấu trúc trung tâm và cấu trúc khu vực để làm việc với những tài năng sáng tạo của Nepal đang theo học hoặc tốt nghiệp tại các trường đại học.
Trung tâm hoạt động như một “lồng ấp” cấp độ quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo và các dự án nghiên cứu tác động tích cực đến kinh tế xã hội của đất nước. Bước đi này nhằm thúc đẩy tinh thần “vượt ra khỏi ranh giới” và “khuyến khích sự kết hợp từ các khu vực khác nhau để tạo ra các dự án và sản phẩm mang lại lợi ích cho đất nước”.
Ngoài ra, NIC cũng tạo môi trường thuận lợi để thuyết phục các nhà nghiên cứu và nhà khoa học của Nepal đang làm việc tại nước ngoài NEPAL tham gia và đóng góp vào nuôi dưỡng tài năng trẻ quốc gia.
Đã 6 năm kể từ khi thành lập, trung tâm đổi mới và sáng tạo quốc gia Nepal đã có những hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Một trong những dự án đầu tiên của trung tâm là thử nghiệm máy bay không người lái nguyên mẫu được sản xuất tại các địa phương để cung cấp thuốc cho các trung tâm y tế từ xa ở Nepal.
Tại các cơ sở y tế nông thôn của quốc gia này, trang thiết bị còn yếu kém và phân phối thuốc chậm do hạn chế về mặt sản xuất, vấn đề giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Dự án của NIC có thể cung cấp thuốc nhanh hơn, cứu trợ bệnh nhân kịp thời.
Cụ thể các máy bay không người lái có thể di chuyển trong vùng ngoại vi 15km và những chuyến bay tầm xa được thiết lập để di chuyển tới 45km. Các máy bay tự động dự kiến sẽ cải thiện quá trình cung cấp thuốc, vận chuyển mẫu thuốc đến với bệnh nhân.
Máy bay không người lái cũng được đưa vào thử nghiệm trong các “cuộc chiến” chống sốt rét, vi rút zika và sốt xuất huyết. Ngoài ra, hiện nay đã có nhiều trung tâm y tế tại nông thôn tiến hành các lớp học trực tuyến với các chuyên gia tư vấn từ các tuyến trên.
Song song với dự án cứu trợ y tế, NIC phối hợp với các nhà khoa học Nepal phát triển dược liệu đông trùng hạ thảo sử dụng trong y tế với mong muốn sản xuất một loại thức uống mới có lợi cho sức khỏe và thiết lập các nhà máy khí sinh học, năng lượng mặt trời.
Một dự án khác mà trung tâm đổi mới sáng tạo NIC vẫn luôn ấp ủ là xây dựng nhà máy thủy điện làm cơ sở phát triển trung tâm bền vững. Trung tâm đăng kí một công ty thủy điện và sẽ phát triển nhà máy thủy điện từ 10 đến 15 MW.
Dự án nhà máy thủy điện này sẽ sản xuất điện và bán điện cho chính phủ tạo ra thu nhập tiền mặt duy trì trung tâm. Ước tính một nhà máy thủy điện 10 MW sẽ tạo ra thu nhập ròng khoảng 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm bằng cách bán điện cho chính phủ.
Vào những năm đầu sản xuất điện, 75% thu nhập sẽ được sử dụng hàng năm để trả lãi và chi trả chi phí vận hành, bảo trì. 25% thu nhập được sử dụng để điều hành trung tâm đổi mới. Sau khi các khoản vay được trả hết, NIC sẽ có ít nhất 3 triệu đô la để hoạt động lâu dài.
Có thể thấy, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Nepal đã sẵn sàng cho công cuộc “nâng tầm” đất nước. Tin chắc rằng chỉ một vài năm tới đây, trung tâm sẽ đem lại một Nepal hoàn toàn “thay da đổi thịt”.
DN&HN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo