Tuyên Quang: HTX liên kết đào tạo, giải quyết việc làm
Theo Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có trên 210 HTX nông, lâm nghiệp, trong đó, có 64 HTX có hợp đồng liên kết với người nông dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ 15 nhóm sản phẩm, gồm 8 sản phẩm trồng trọt, 5 sản phẩm chăn nuôi, 1 sản phẩm thủy sản và 1 sản phẩm lâm nghiệp.
Hiệu quả nhờ liên kết
Nằm trong số 30 HTX thành lập năm 2017 của tỉnh Tuyên Quang, HTX Nông nghiệp xanh xã Trung Môn (huyện Yên Sơn) đang có những bước phát triển mạnh mẽ, xây dựng hướng hoạt động rộng, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, đến trồng rau an toàn, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp...
Chị Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đang phát triển hơn 2.000 m2 rau xanh, trang trại 300 con lợn thịt và 3 ha ao nuôi trồng thủy sản. Theo kế hoạch, HTX sẽ liên kết để mở rộng thêm 4.700 m2 đất trồng rau xanh trong nhà lưới vào cuối năm 2019”.
Để có thành công hiện tại, tất cả các ngành hàng sản xuất của HTX đều được liên kết với các tổ nhóm, hộ gia đình trên địa bàn. Đồng thời, thành viên HTX thường xuyên được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất.
Tương tự, HTX Chè Ngân Sơn Trung Yên (huyện Sơn Dương) cũng đang gặt hái thành công nhờ mô hình liên kết sản xuất, dạy nghề cho thành viên, người lao động. Hiện, HTX đang liên kết với 32 hộ dân để sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích trên 20 ha.
Có 4 năm liên kết với HTX Ngân Sơn Trung Yên, ông Nguyễn Quang Dũng (xã Trung Yên) chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi được dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng chè sạch, được bao tiêu sản phẩm, giúp giá trị chè tăng hơn 20 - 30% so với sản xuất chè đại trà”.
Hiệu quả vượt trội giúp HTX nâng cao vị thế, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế địa phương với doanh thu bình quân trên 3 tỷ đồng/năm. Hiện tại, sản phẩm của HTX được cung ứng vào các cửa hàng, đại lý tại Tp.Tuyên Quang và siêu thị rau, quả sạch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Nhận thấy vai trò quan trọng của các HTX, THT trong liên kết sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, các ban ngành tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển HTX, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Nỗ lực nâng tầm
Ông Hà Văn Ngạc - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: “Các HTX, người dân, doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sẽ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối thị trường… Các tổ, nhóm sản xuất nông nghiệp có nhu cầu sẽ được tỉnh hỗ trợ thành lập HTX”.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng HTX phát triển, đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn vay, đào tạo nghề và xây dựng chuỗi giá trị.
Đơn cử, riêng trong năm 2018, tỉnh đã bố trí 841 triệu đồng để tập huấn nâng cao năng lực, đào tạo nghề cho cán bộ, người lao động HTX; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 10 HTX để xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả; thành lập mới 25 HTX theo Luật HTX 2012.
HTX Chè Vĩnh Tân (huyện Sơn Dương) là điển hình trong phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Đến nay trung bình mỗi năm HTX sản xuất được 20 tấn chè, năng suất bình quân trong sản xuất chè của HTX đạt 12 - 14 tấn/ha.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang tạo việc làm cho 10 hộ thành viên, hàng chục lao động thời vụ, với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng. HTX cũng đang là đơn vị dẫn dắt sản xuất, trực tiếp hướng dẫn, dạy nghề trồng chè VietGAP cho các hộ nông dân địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước