Thị trường

Việt Nam đặt mục tiêu trong 100 người thì có 3 người đầu tư chứng khoán

Mục tiêu đặt ra số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Mô hình Shophouse: Tại sao nói một căn hộ - ba lợi ích? / Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2019

154299.jpg

Quy mô thị trường cổ phiếu dự kiến đạt mức 100% GDP vào năm 2020.

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo đề án, mục tiêu phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.

Đáng lưu ý, mục tiêu đặt ra số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.

Đề án cũng đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; Giải pháp nâng hạng thị trường; Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.

 

Trong đó, về giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, Đề án nêu rõ cần đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa.

Thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Bên cạnh đó, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa.Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên.

Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín tham gia thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tiến tới quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu phải được định mức tín nhiệm.

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm