Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038
Kinh tế Việt Nam 2024: Niềm tin và lợi thế cho đà tăng trưởng / Thấy gì từ con số xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD trong năm 2023?
Trung tâm tư vấn CEBR của Anh vừa đưa ra dự báo trong đó đánh giá nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh rất khả quan trong 15 năm tới.
Cụ thể, Việt Nam hiện đứng vị trí 34 trên Bảng Liên minh Kinh tế Thế giới (WELT). Tổ chức này dự báo, năm 2024, Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ 33. Sau đó sẽ tiếp tục tăng nhanh lên vị trí 24 vào năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.
Theo CEBR, với ưu thế dân số hiện có, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Dân số đông và còn tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia đi trước hiện nay trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, để đến 2038 chỉ đứng sau Indonesia, trong Top 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cùng với Việt Nam, Philippines cũng là nước có sức tăng trưởng đáng nể và có thể đạt vị trí 23 vào năm 2038.
Đặc biệt, trong mục giới thiệu bảng xếp hạng vừa công bố, CERB đánh giá Việt Nam và Philippines là minh chứng nổi bật cho nhóm những quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng cải cách nội bộ, tăng năng suất của lực lượng lao động, những điều có thể đạt được qua cách tích lũy hiệu quả vốn đầu tư công và tư.
CERB nhấn mạnh hai nước đều đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể và được trông đợi sẽ leo thêm 10 và 13 bậc vào năm 2038, với "đầy cơ hội" lọt vào nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhận định của CEBR đề cập tỷ trọng nền kinh tế, chứ không đề cập đến thu nhập bình quân trong một nước, phân chia giàu nghèo hay các vấn đề khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo