Việt Nam sẽ lọt top 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ
DNVN - Trong 10 tháng của năm tài chính 2021-2022, Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách các thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 11,3 tỷ USD. Kỳ vọng hết năm tài chính này, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD, và Việt Nam sẽ nằm trong top 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ.
Khẩu vị của giới đầu tư khi du lịch quốc tế mở cửa / Đề nghị góp ý dự thảo Chương trình xuất khẩu quả tươi sang New Zealand
Tại hội thảo "Tổng quan về Ngoại thương của Ấn Độ trong 5 năm qua, các đối tác thương mại và mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Ấn Độ và cơ hội cho Việt Nam" diễn ra vào ngày 23/3 vừa qua, ông Atul Kumar Saxena - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, nền kinh tế Ấn Độ có độ mở chưa cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) các nước, trong đó có Việt Nam. Giống như các nước khác, kinh tế Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng kinh tế đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021-2022.
Nhấn mạnh tiềm năng cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, ông Atul Kumar Saxena cho rằng, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long và nông sản nói chung tới khu vực phía Nam Ấn Độ. Ngoài các mặt hàng hoa quả tươi, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng kinh doanh với mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả… bởi các doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng này. DN Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, các DN Việt Nam và Ấn Độ.
Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 DN Ấn Độ hợp tác với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có hợp tác liên doanh nào giữa DN hai nước. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực.
Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, ông Atul Kumar Saxena đánh giá, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam. Thực phẩm chế biến, nhu cầu tiêu dùng của Ấn Độ rất cao. Ví dụ đối với sản phẩm bánh quy, Ấn Độ nhập khẩu mặt hàng này với từ các quốc gia như Indonesia, Malaysia. Việt Nam có những sản phẩm bánh kẹo tương tự, tuy nhiên chưa thấy xuất hiện trên thị trường Ấn Độ.
Thông tin về chính sách ngoại thương của Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Ấn Độ ban hành chính sách ngoại thương 5 năm một lần. Chính sách ngoại thương hiện hành ban hành từ năm 2015, hết hiệu lực năm 2020 và được kéo dài đến tháng 3/2022. Điểm đáng chú ý của chính sách ngoại thương Ấn Độ là đưa ra các gói hỗ trợ xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm, chủ lực của Ấn Độ thông qua cấp tín dụng cho các DN xuất khẩu, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Đối với các hội chợ, hội thảo do Chính phủ Ấn Độ tổ chức, các DN nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, khách sạn, chi phí tham dự… Thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo này, đã có nhiều DN Việt Nam tìm kiếm được các đối tác Ấn Độ. Dự kiến chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ sẽ được ban hành vào ngày 22/4.
Cũng theo ông Thướng, trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2017-2018 đến năm 2020-2021, Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Tính trong khoảng thời gian 10 tháng trong năm tài chính hiện tại (từ tháng 4/2021-1/2022) Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách các thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 11,3 tỷ USD.
Kỳ vọng trong hết năm tài chính 2021-22, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cán cân thương mại cơ bản cân bằng, và Việt Nam sẽ nằm trong top 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt, hải sản, nhôm, các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo