Thị trường

Vietcombank: Tài sản thế chấp bất động sản chiếm gần 74%, nợ có khả năng mất vốn tăng 50%

DNVN - Tính đến ngày 31/12/2022, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank đạt mức hơn 6.623 tỷ đồng, tăng 50% so với hồi đầu năm. Đồng thời trong năm 2022, lượng bất động sản thế chấp tại nhà băng này đã tăng thêm hơn 397.000 tỷ đồng, lên hơn 1,56 triệu tỷ đồng.

Mắc sai phạm, nhiều điểm kinh doanh của một hệ thống cầm đồ bị phạt / Chủ tịch ngân hàng VDB Lương Hải Sinh giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022, tổng nợ xấu nội bảng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đạt mức 7.808 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021. Trong đó ghi nhận sự chuyển dịch từ Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) và Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) sang Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5).

Cụ thể, so với hồi đầu năm, Nợ nhóm 3 giảm 44% xuống còn 412,6 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 giảm 20% xuống mức 722,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ nhóm 5 tăng gần 50% lên mức hơn 6.623 tỷ đồng, chiếm tới gần 85% tổng nợ xấu của Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này nhích nhẹ 0,64% hồi đầu năm lên 0,68%.

Gần 75% tài sản thế chấp tại Vietcombank là bất động sản.

Tính đến ngày 31/12/2022, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank đạt 2,11 tỷ đồng, tăng thêm 477.193 tỷ đồng (tương đương tăng 29,2%) so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên quy mô tài sản thế chấp tại Vietcombank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tài sản thế chất bằng bất động sản chiếm đa số với gần 74% tổng lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank với hơn 1,56 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2021, lượng bất động sản thế chấp tại Vietcombank đã tăng thêm hơn 397.427 tỷ đồng, tương đương tăng 34,2%. Đây cũng là bộ phận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tài sản thế chấp của Vietcombank.

Ngoài ra, Vietcombank cũng nhận gần 167.170 tỷ đồng tiền gửi làm tài sản thế chấp, tăng 28.290 tỷ đồng (tương đương tăng 20,4%) so với cuối năm 2021. Trong khi lượng tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá giảm gần 16.600 tỷ, xuống còn hơn 46.448 tỷ đồng.

Các loại tài sản thế chấp khác tại Vietcombank có giá trị 336.252 tỷ đồng, tăng hơn 68.069 tỷ đồng trong năm 2022, chiếm tỷ trọng 15,9%.

Nợ có khả năng mất vốn của Vietcomabank tăng 50% trong năm 2022.

Lượng tài sản thế chấp của Vietcombank tăng mạnh trong năm 2022 là do mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của nhà băng này trong năm 2022.

Cụ thể, theo BCTC, tính đến cuối năm 2022 cho vay khách hàng của Vietcombank đạt kỷ lục gần 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.

Vietcombank hiện cũng là một trong những ngân hàng nắm giữ số lượng trái phiếu doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 4/2022, Vietcombank đang sở hữu gần 396 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh; 77,2 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán và có tới 11.009 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.

Ngoài ra, Vietcombank cũng nắm giữ gần 694 tỷ đồng trái phiếu kinh doanh, 36.887 tỷ đồng trái phiếu đầu tư sẵn sàng để bán và 46.589 trái phiếu đầu tư giữ đến ngày đáo hạn do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.

Về phát hành trái phiếu, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2022 Vietcombank đã phát hành 7 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị 3.240 tỷ đồng. Đồng thời ngân hàng này cũng mua lại 7 lô trái phiếu trước hạn với giá trị 3.260 tỷ đồng và đáo hạn 1 lô trái phiếu có giá trị 3.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, Vietcombank đang lưu hành 56 lô trái phiếu khác nhau với giá trị khoảng hơn 14.396 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm 2022 của Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Về thị giá cổ phiếu, chốt phiên giao dịch sáng ngày 27/2/2023, mã cổ phiếu VCB được giao dịch với mức giá 92.000 đồng/cp, giảm 1.500/cp (tương đương giảm 1,6%) so với phiên giao dịch trước đó (ngày 24/2/2023).


Kim Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm