Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong 2019
Nhiều làng hoa ở TP HCM đang tất bật vào vụ Tết / Hàng nghìn ha thanh long tại Tiền Giang chín đỏ chờ Tết
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới.Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được thành tích kỷ lục với con số 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị là định hướng của ngành trong năm 2019 này nhằm tiếp tục duy trì đà xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho biết: Có được mức tăng trưởng cao như trên là nhờ giá cá tra tăng, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao, đẩy giá xuất khẩu cá tra đi lên.
Theo ông Nam, để tăng được tỷ lệ hàng giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới không phải trong “ngày một, ngày hai” mà cần phải có tích lũy. Điều này được ghi nhận khi thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng chiến lược như: tôm, cá ngừ và cá tra đã được bày bán tại các kệ hàng của hệ thống phân phối hiện đại của các quốc gia trên thế giới. Thành quả có được là do các doanh nghiệp trong nước đã phối hợp rất hiệu quả với nhà nhập khẩu để nâng cao giá trị gia tăng. “Việt Nam đã là điểm đến mà khách hàng quốc tế đặt hàng ngày càng nhiều hơn”, ông Nam khẳng định.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 2,2 tỷ USD
Hiện tại, giá nguyên liệu cá tra xuất khẩu vẫn ổn định ở mức cao, nên đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra. VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn giữ vững mức 2,2 - 2,3 tỷ USD trong năm 2019.
Con số này là hoàn toàn khả thi vì theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tuy ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhưng lại có những tác động tích cực tới một số mặt hàng xuất khẩu. Do đó, năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ.
Bên cạnh đó, khi Hiệp địnhthương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và thực thi, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ mức 5,5% về 0% trong 3 năm (với cá tra thô), từ mức 7% về 0% trong 7 năm (với cá tra chế biến). Điều này là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đẩy mạnh sản lượng và giá trị mặt hàng này.
“Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn với cá tra, gồm các chương trình tại khu vực châu Âu, Mỹ… về kiểm soát nhập khẩu. Khi vượt qua, đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của cá tra Việt Nam sẽ được cải thiện hơn” - ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Liên quan đến việc nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao. Nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn, cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, tận dụng các sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. “Để làm được việc này, ngành thủy sản cần thiết phải đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế” – ông Luân nhấn mạnh.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm xuống.Cùng với đó, với việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn kéo dài, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc, hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.Các doanh nghiệp cá tra được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được ký kết vào đầu năm nay. Bởi khi đó, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu sẽ giảm từ mức 5,5% về 0% trong 3 năm với cá tra thô, từ mức 7% về 0% trong 7 năm với cá tra chế biến.Tuy vậy, trong năm 2019, tình trạng cung vượt cầu cũng là những rủi ro mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, EVFTA có thể bị trì hoãn do bất ổn chính trị tại châu Âu nên chưa thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong năm này.
Trước tình trạng giá cá tra cao, nhiều người e ngại về làn sóng đầu tư vào cá tra có thể dẫn tới thừa lượng cung, VASEP trấn an, tình trạng dư thừa sẽ không kéo dài như những năm trước, bởi thị trường có nhu cầu ổn định và các ngân hàng đã thắt chặt quy định cho vay vốn nên khó tái diễn việc vay vốn để đầu tư, mở rộng nuôi trồng cá tra tràn lan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước