Xuất khẩu gạo đang chịu áp lực cạnh tranh lớn về giá
Xuất khẩu gạo năm 2024: Cần giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu “kép” / Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị.
Để đạt được kết quả trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy xuất khẩu gạo phát triển thị trường, trước sự cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Trong đó, chú trọng công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan nhập khẩu, tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) với các đối tác ở nhiều thị trường tiềm năng.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, các hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống. Đồng thời, mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng.
Thương hiệu gạo Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận tốt hơn và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA. Các hiệp hội ngành hàng đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo đang chịu áp lực cạnh tranh về giá. Tại cuộc họp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Việt Nam mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng.
Bởi vậy, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu chủ lực. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu đã giảm từ 5 - 8 USD/tấn.
Đối mặt với sự cạnh tranh về mặt hàng gạo giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất gạo Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng với đó là đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trong thời gian tới, để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo. Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
PGBank mở chi nhánh mới tại Nghệ An
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá