Xã hội

Thị xã Buôn Hồ, tỉnh ĐắcLăk gặp mặt các nhà đầu tư

(DNVN) - Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 - 13/10/2017), Thị ủy, HĐND và UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư năm 2017. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Tuấn Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Y Vinh Tơr, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy; Trần Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị xã, cùng đại diện 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ, đến nay, thị xã đã có 103.647 người, với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 12 đơn vị hành chính, gồm 7 phường và 5 xã. Qua hơn 13 năm thành lập và phát triển, thị xã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân về kinh tế của thị xã đạt 12,53%/năm. Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng 20,98%; thương mại - dịch vụ 17,06%. Riêng năm 2017, giá trị sản xuất các ngành ước đạt 6.409 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.080 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 82 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,44%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm còn 4,68%.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Thị xã Buôn Hồ có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm các huyện cánh Bắc của tỉnh Đắk Lắk, là cửa ngõ đi qua các huyện lân cận, với hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, trong đó có Quốc lộ 14 dài 20,26 km, đi qua trung tâm thị xã nối với các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ, như Gia Lai, KonTum; phía Nam kết nối với tỉnh Đắk Nông và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; phía Đông tiếp giáp với Quốc Lộ 29 nối với tỉnh Phú Yên và cảng biển Vũng Rô (tỉnh Phú Yên); phía Đông Nam kết nối với Quốc lộ 26 đi đến tỉnh Khánh Hòa. Buôn Hồ cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch từ việc khai thác cảnh quan dọc các suối Krông Búk; suối và thác Draiga ở Buôn Tring, xã Ea Blang; hồ Ba Diễn tại khu vực trung tâm; có diện tích rừng và đồi thông tại khu trung tâm và đèo Hà Lan tọa lạc trên tuyến QL 14 về phía Nam của thị xã khoảng 10 km; có cảnh quan và khí hậu rất thuận lợi cho việc xây dựng thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Buôn Hồ còn có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, thông qua việc khai thác vốn văn hóa di sản, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc định cư trên địa bàn, đó là bến nước tại các rừng đầu nguồn; nhà sàn và nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê; Thịt heo quay, gà nướng của người Tày v.v…

Đến nay, về cơ bản, kết cấu hạ tầng của thị xã Buôn Hồ đã được đầu tư xây dựng đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thị xã hiện có hơn 25.200 ha đất nông nghiệp, trong đó cà phê chiếm gần 15.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 38.000 tấn; hồ tiêu hơn 3.800 ha, sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn/năm; diện tích cây ăn quả hơn 1.100 ha, chủ yếu là cây bơ chiếm khoảng 580 ha, sản lượng 10.000 tấn/năm; cây sầu riêng 280 ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm… Các loại cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi gặp mặt.

Từ những kết quả đã đạt được và những tiềm năng sẵn có, thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư vào địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có bước chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có 3 dự án đã đi vào hoạt động, gồm: Dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ từ nguồn vốn KOICA; Trung tâm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sách, thiết bị trường học; Trường mầm non tư thục Buôn Hồ. Cùng với đó còn có 2 dự án đang triển khai, đó là Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo (Buôn Hồ PaLaMa); Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Ngoài ra, 3 dự án khác cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị triển khai, gồm: Trung tâm Hội nghị, dạ tiệc, thương mại, dịch vụ Hoàng Minh; Trung tâm thương mại Buôn Hồ và Bến xe khách thị xã. Nhân dịp này, thị xã Buôn Hồ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn với 17 dự án, tập trung vào các lĩnh vực: đô thị, thương mại, du lịch, công nghiệp…

Mặc dù đã có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay thị xã Buôn Hồ vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, do đó các dự án đầu tư vào địa bàn thị xã sẽ được hưởng các chính sách ưu đã của Đảng và Nhà nước, như: được hưởng chính sách miễn 100% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong cả thời gian thuê đối với các dự án đặc biệt được ưu đãi đầu tư; các dự án thuộc chính sách khuyến khích xã hội hóa của tỉnh trên địa bàn thị xã như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo các quy định của pháp luật hiện hành và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 của Chính phủ, Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND, ngày 18/4/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk quy định các chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn, đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo mặt bằng sạch, quỹ đất… tạo thuận lợi nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. Ghi nhận những ý kiến đóng góp đó, lãnh đạo thị xã Buôn Hồ khẳng định: Để thúc đẩy hoạt động đầu tư, thị xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nhân và doanh nghiệp, làm tốt vai trò kết nối giữa nhà đầu tư và các sở, ngành của tỉnh, đồng thời mạnh dạn áp dụng phương thức đầu tư phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư … xem sự thành công của doanh nghiệp, doanh nhân là sự thành công lớn của thị xã.

 

Nên đọc

 

Nguyễn Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo