Thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới
Minh chứng là trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước; thành quả kinh tế trong 5-10 năm có thể bị biến mất chỉ trong một trận lũ.
Những thiệt hại do vỡ đê, vỡ bờ bao làm ngập chìm nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, lúa và hoa màu, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật và gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.
Chỉ tính riêng mùa mưa bão năm 2008, có khoảng 210.000ha lúa, 180.000ha hoa màu bị mất trắng vì thiên tai. Năm 2009, bão lũ và gió lốc gây thiệt hại tới 50 tỷ đồng cho mạng lưới của 28 đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông.
Ngoài những tác động về kinh tế-xã hội, thiệt hại về sinh mạng con người do thiên tai, bệnh tật gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và môi trường sau thiên tai là vấn đề rất lớn mà Việt Nam thường xuyên phải đối mặt.
Trong giai đoạn 2005-2009, có khoảng 2.500 người chết và mất tích vì thiên tai, trong đó trung bình 48,7% số người chết và 70% số người mất tích là do bão.
Các bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não và các bệnh khác đều gia tăng trong mùa mưa bão hàng năm, do môi trường bị ô nhiễm, thiếu điều kiện sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Đơn cử như ảnh hưởng của cơn bão số 5 năm 2007 (có tên quốc tế Lekima), kết quả phân tích chất lượng nước tại một số khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão này cho thấy, hầu hết những con sông đều bị ô nhiễm.
Chất lượng nước ở sông Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình, một số chỉ tiêu hóa lý sau lũ đều vượt tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể như hàm lượng BOD5 cao gấp 1,55 lần tiêu chuẩn, COD cao gấp 1,3 lần, hàm lượng Coliform cao gấp 1,25 lần...
Tuy Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp thích ứng với thiên tai, chẳng hạn như thay đổi mùa vụ, lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng thích hợp với địa điểm bị tác động bởi thiên tai; hạn chế cũng như tận dụng những ảnh hưởng tích cực của mùa lũ song các biện pháp này chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, nhất là giải pháp “sống chung với lũ” ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy được hiệu quả đích thực, dẫn tới người dân ở vùng này vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm.
Thảo Nguyên (Theo TTXVN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo