Thiệt hại ngàn tỷ, Tân Hiệp Phát vẫn xin giảm án cho người đòi 500 triệu
Sáng 17/12, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến người đổi chai Number 1 lấy nửa tỷ đồng của Công ty Tân Hiệp Phát. Người bị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” với số tiền 500 triệu đồng là anh Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Nổi lòng tham khi thấy con ruồi trong chai nước
Theo tin tức từ báo Thanh niên cho biết, Võ Văn Minh từng thuê địa điểm bán bún riêu tại ngã ba An Cư, xã An Cư, huyện Cái Bè. Ngày 3/12/2014, trong lúc lấy chai Number 1 (loại chai nhựa 350ml, sản phẩm của Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, Bình Dương) để bán cho khách, Minh phát hiện bên trong chai nước có con ruồi nên đã đem cất.
Ngày 5/12/2014, Minh điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát, yêu cầu đơn vị này đưa cho bị cáo 1 tỷ đồng, để đổi lấy chai Number 1 bên trong có ruồi. Nếu Tân Hiệp Phát không đáp ứng yêu cầu, thì đương sự sẽ cho đăng báo, phát ở chương trình truyền hình 60 giây và in 5.000 tờ rơi để phát tán…
Sau khi nhận được điện thoại, phía Tân Hiệp Phát đã 3 lần cử người đến gặp Võ Văn Minh để thương lượng với mục đích lấy lại chai Number 1 có ruồi. Trong 2 lần đầu, Minh đòi phía Tân Hiệp Phát chi 1 tỷ đồng để đổi lấy chai Number 1 có ruồi nhưng không được chấp nhận, sau đó giảm xuống còn 600 triệu đồng. Đến lần gặp thứ 3 thì Minh hạ xuống còn 500 triệu đồng. Đổi lại, Minh sẽ đồng ý im lặng, bỏ qua sự việc này. Trong những lần gặp này, phía Tân Hiệp Phát đều có lập biên bản. Ngày 27/1/2015, tại một quán nước ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khi Minh vừa bỏ tiền vào cốp xe xong, đã viết giấy biên nhận thì trinh sát của Công an tỉnh Tiền Giang ập đến, bắt quả tang Minh và tang vật...
Theo tin tức từ báo Zing.vn, tại phiên tòa xét xử, trong phần xét hỏi bị cáo Võ Văn Minh trả lời Hội đồng xét xử: "Khi phát hiện chai Number 1 còn nguyên nắp nhưng bên trong có con ruồi nên bị cáo nghĩ đến việc muốn kiếm một khoản tiền lớn vì Tân Hiệp Phát là công ty đang có thương hiệu uy tín trên thị trường".
Suy nghĩ của Minh lúc đó là hàng ngày bán bún riêu cực khổ, khi có nhiều tiền sẽ mua vài công đất. “Bị cáo nói sẽ đưa lên mạng và cho người tiêu dùng biết chỉ là muốn hù công ty. Yêu cầu đưa tiền chỉ là việc trao đổi, bị cáo không có lỗi”, Minh nói.
Anh Minh cũng cho biết, nhân viên Tân Hiệp Phát đã có 3 lần gặp gỡ trao đổi, thương lượng với bị cáo. Lần đầu tiên, bị cáo đưa ra yêu cầu Tân Hiệp Phát giao 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước có ruồi và sự im lặng nhưng nhân viên công ty không đồng ý. “Họ nói sẽ ghi nhận sự việc về báo cáo lãnh đạo xem xét”, bị cáo Minh khai.
Cũng tại tòa, bị cáo Minh cho rằng trong một lần gặp gỡ, ông Trương Tiểu Long từng đặt vấn đề công ty sẽ giao 100 triệu đồng nhưng Minh không đồng ý. Tòa hỏi có chứng cứ gì về việc công ty từng đưa ra số tiền 100 triệu đồng không, bị cáo Minh bảo “không”. Về lời khai này, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã cho đối chất nhưng ông Long không thừa nhận.
Thiệt hại ngàn tỷ, Tân Hiệp Phát không đòi bồi thường
Theo tin tức từ báo Vietnamnet, xuất hiện tại tòa với vẻ sang trọng, xinh đẹp, bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết mình sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án.
Về diễn biến vụ việc, bà Bích cho biết có nhận được từ phòng chăm sóc khách hàng báo lại là có một khách hàng điện thoại đến công ty nói là chai Number One của công ty có ruồi. Khách hàng yêu cầu mua lại chai nước với giá 1 tỷ đồng. Bà Bích đã phân công nhân viên Trương Tiểu Long đến liên hệ, gặp khách hàng.
“Công ty chúng tôi có quy định là nhân viên phải tiếp xúc với khách hàng. Nếu sản phẩm của chúng tôi có lỗi thì chúng tôi xin sản phẩm về để nghiên cứu phân tích xem quy trình có lỗi hay không, cảm ơn khách hàng bằng sản phẩm. Chúng tôi cũng có quy định là mọi trường hợp khiếu nại của khách hàng không thể giải quyết bằng tiền. Sản phẩm chúng tôi bán ra đến tay người tiêu dùng chỉ 10 ngàn thôi. Chúng tôi không thể nào mà quy đổi thành tiền”, bà Bích khẳng định.
Vậy nếu có sản phẩm giả nhãn hiệu công ty mà không đảm bảo chất lượng thì sao? Trả lời câu hỏi trên, nữ giám đốc Tân Hiệp Phát nói: “Với quy trình sản xuất của mình, chúng tôi luôn tin rằng sản phẩm của mình đến tay khách hàng luôn đảm bảo chất lượng”. Bà Bích cho rằng cũng chính vì sợ hàng giả nên công ty mới có chủ trương xin sản phẩm về để phân tích, kiểm tra mới kết luận là có phải hàng giả hay không.
Về những cuộc gặp gỡ với bị cáo Minh, bà Bích cũng cho biết đã được nhân viên báo cáo.Sau hai cuộc gặp gỡ, ông Minh vẫn giữ nguyên ý định. “Hai lần chúng tôi không thuyết phục được khách hàng và nhận được hăm dọa là nếu không đáp ứng, chúng tôi sẽ phải lãnh hậu quả. Sau đó, tôi đã cử nhân viên cấp cao nhất là trợ lý của tôi đến gặp anh Minh để thuyết phục nhưng không thể. Nếu công ty không giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả khó kiểm soát nên tôi quyết định cử nhân viên gặp lần thứ ba”.
Về lời đề nghị đưa ra số tiền 500 triệu đồng để mua lại chai nước, bà Bích phủ nhận không có chuyện này vì công ty có chủ trương nhất quán là không giải quyết bằng tiền. Lúc đó, vụ việc xảy ra vào những ngày gần Tết, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn nhân viên. Do vậy, sau khi đắn đo suy nghĩ, bà Bích đã quyết định viết đơn tố cáo đến cơ quan công an.
“Lúc này tôi gặp rất nhiều áp lực là phải bảo vệ thương hiệu, uy tín của công ty nên mới quyết định chi 500 triệu đồng từ quỹ của công ty. Tôi phân công anh Long, anh Tuấn, anh Trung đi giao tiền”. Tòa hỏi vậy khi đi giao tiền có báo công an không, bà Bích khẳng định “không”.
Nói về thiệt hại sau vụ chai Number 1 có ruồi, bà Bích cho biết, từ đó đến nay Tân Hiệp Phát bị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đây là tình huống không ai mong muốn nên doanh nghiệp không yêu cầu bị cáo bồi thường. “Tôi xin HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhất đối với anh Minh để anh ấy hưởng khoan hồng, sớm về với gia đình", bà Bích nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo