Xã hội

Thiếu vài dòng hướng dẫn, thất thu hàng trăm tỉ đồng

Ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC “Hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế” (Thông tư 10) nội dung không rõ ràng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã làm các địa phương hiểu sai rồi làm sai. Hậu quả là, lãnh đạo ngành y tế nhiều địa phương phải khốn khổ.

Chỉ vì thiếu vài dòng hướng dẫn, Thông tư 10 đã làm ngân sách mất hàng trăm tỉ đồng.

Thông tư chưa... thông

Ngày 13.10, ông Phạm Văn Rạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, tỉnh đã đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến xử lý vụ đấu thầu thuốc theo Thông tư 10 gây thất thu ngân sách khoảng 24 tỉ đồng, xảy ra tại Sở Y tế Long An. Sở dĩ tỉnh phải xin ý kiến bộ vì quan điểm xử lý của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thanh tra tỉnh Long An còn có độ vênh, làm tỉnh lúng túng. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có văn bản trả lời.

Liên quan đến việc đấu thầu thuốc theo Thông tư 10 bị cho là “gây thiệt hại”, KTNN cũng yêu cầu UBND TPHCM phải truy thu số tiền 143 tỉ đồng. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai... cũng bị yêu cầu truy thu số tiền lên đến 53 tỉ đồng. Như vậy, chỉ mới “kiểm sơ sơ” một số địa phương, số tiền bị đề nghị thu hồi đã lên đến 220 tỉ đồng!

Theo kết luận số 2433/KL-UBND ngày 30.7.2014 của UBND tỉnh Long An, trong 2 năm 2010-2011, trong công tác đấu thầu của Sở Y tế, có 644 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt với tổng giá trị chênh lệch cao hơn 23,66 tỉ đồng. Kết luận khẳng định: Công tác đấu thầu thuốc trong hai năm 2010-2011 có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Giám đốc sở phải chịu trách nhiệm; tổ tư vấn và tổ thẩm định phải chịu trách nhiệm trước giám đốc sở và trước pháp luật.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được kết luận này, ông Lê Thanh Liêm – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Long An và nhiều cơ quan khác để khẳng định Sở Y tế thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Cụ thể, theo quy định tại tiết đ, khoản 4, mục II, Thông tư 10 quy định về giá trúng thầu: “Giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế”. Ông Liêm khẳng định, theo hướng dẫn này là giá thuốc trúng thầu không phụ thuộc vào giá kế hoạch của từng mặt hàng, mà chỉ phụ thuộc vào giá kế hoạch của gói thầu, tức đấu làm sao miễn kết quả trúng thầu phải thấp hơn giá trị gói thầu.

Ngoài ra, ông Lê Thanh Liêm còn cho rằng, Thông tư 10 có quá nhiều lỗ hổng, không rõ ràng, thiếu bảng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, định nghĩa giá trúng thầu không rõ ràng nên nhiều địa phương đã làm sai. Dù có nhiều bất cập nhưng Thông tư 10 vẫn “thọ” được 5 năm, mãi đến ngày 19.1.2012 Bộ Y tế và Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC “Hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế”. Thông tư 01 cơ bản đã khắc phục được những lỗ hổng mà Thông tư 10 mắc phải.

 Ban hành thông tư để sửa thông tư

Trao đổi về việc Long An xin ý kiến xử lý đối với Sở Y tế tỉnh Long An, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Trương Thị Việt Hương cho biết: “Tất cả các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ và TPHCM mà chúng tôi kiểm tra, khi thực hiện theo Thông tư 10 đều hiểu không đúng, do văn bản quy định không rõ. Từ cách hiểu này, tất cả các địa phương đều đấu thầu không phù hợp. Riêng đối với Long An, KTNN chỉ đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể và cá nhân liên quan. Nếu Long An có cách xử lý khác thì phải xem có sự chủ quan, tư lợi hay không. Nếu chỉ căn cứ vào kết luận kiểm toán mà xử lý lãnh đạo Sở Y tế thì là nặng hơn các địa phương khác”.

 Dù Thông tư 01 ra đời để thay thế Thông tư 10 nhưng Thông tư 01 cũng... chưa hoàn chỉnh. Cụ thể, từ đầu năm 2014, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại phải thông báo triển khai Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11.11.2013 (Thông tư 36) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01.

Theo tính toán của Bộ Y tế, kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 (áp dụng Thông tư 01) đã giảm hàng trăm tỉ đồng. Chẳng hạn như Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỉ đồng (24%), Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỉ đồng (xấp xỉ 20%), Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được khoảng 32 tỉ đồng (25%). Thế nhưng, thực tế triển khai Thông tư 01 cũng bộc lộ một số khuyết điểm như không điều chỉnh phân nhóm thuốc giúp các cơ sở y tế có thể lựa chọn được các thuốc tốt của các nước phát triển hay thuốc của các Cty sản xuất trong nước có công nghệ tiêu chuẩn tốt với giá thuốc hợp lý; gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu không được phân nhóm riêng; quy định hạn mức được mua vượt kế hoạch không quá 20% so với số lượng kế hoạch trong năm, khiến không đảm bảo việc cung ứng thuốc; cơ cấu chấm điểm chưa hợp lý…

Để khắc phục những hạn chế trên, Thông tư 36 đã được nghiên cứu và ban hành. Theo đó, tách riêng thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH (bao gồm các nước thuộc EU, Nhật Bản, Mỹ và các nước là quan sát viên của ICH và thành viên liên kết của các thành viên ICH) với các thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP nhưng không thuộc nước tham gia ICH. Trong Thông tư “mới” này, từ điều 1 đến điều 7 ra đời là nhằm mục đích “sửa đổi, bổ sung” những hướng dẫn đã ban hành trước đó.

Tại một số địa phương, khi mới bắt đầu “thông” Thông tư 01 thì lại phải áp dụng Thông tư 36. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngành y tế địa phương cho biết, các thông tư cứ thay đổi xoành xoạch, nên việc áp dụng lúng túng là điều không thể tránh khỏi...

Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo