Pháp luật

Thiếu văn bản hướng dẫn, tắc ngay từ cửa khẩu

Với vai trò “gác cửa” nền kinh tế, ngành hải quan đang nỗ lực thu đúng, thu đủ cho Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, có những trường hợp thiếu văn bản hướng dẫn, ngành hải quan bị tắc ngay từ cửa khẩu. Trường hợp thu thuế Bảo vệ môi trường là một ví dụ.

Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, nhưng đến nay, hải quan vẫn liên tục bị vướng trong việc thu đúng, thu đủ loại thuế đặc biệt này.

 

Lúng túng xử lý

 

Một trong những nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn, quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như trong trường hợp một số doanh nghiệp nhập khẩu mua hàng hóa về để sản xuất gia công, các loại nguyên phụ liệu này khi nhập về đã bị thu thuế Bảo vệ môi trường. Sau khi ra thành phẩm, các loại hàng hóa đó lại tiếp tục bị đánh thuế Bảo vệ môi trường. Như vậy, vô hình chung một sản phẩm bị đánh thuế đến 2 lần.

 

Trong khi đó, theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì thuế Bảo vệ môi trường chỉ phải nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu. Nhưng do chưa có quy định về miễn thuế, hoàn thuế cho đối tượng trên, nên cơ quan Hải quan vẫn thực hiện thu thuế Bảo vệ môi trường đối với hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu chịu thuế Bảo vệ môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Cục Hải quan địa phương có kiến nghị đưa các doanh nghiệp nhập khẩu các hàng hóa phải chịu thuế Bảo vệ môi trường (có hồ sơ đầy đủ) vào khu phi thuế quan để khi làm thủ tục, các lực lượng chức năng sẽ biết và không đánh thuế nữa.

 

Hay như trường hợp hàng nhập khẩu để gia công, tại Điểm 3 Công văn số 1199/BTC-TCT ngày 30/1/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế Bảo vệ môi trường. Tại Điểm 2.4, Điều 2, Thông tư 152/2011/TT-BTC lại chỉ quy định phiến diện không thu thuế Bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp xuất khẩu: “Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu…” mà không đả động gì đến hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thì tính chất tương tự nguyên liệu gia công xuất khẩu mà loại hình này lại thuộc đối tượng phải nộp thuế Bảo vệ môi trường.

 

Khó khăn cách tính

 

Một cục Hải quan địa phương cho biết, hiện đơn vị này đang gặp khó khăn trong việc tính thuế Bảo vệ môi trường đối với nguyên liệu tiêu hao nhập khẩu trước thời điểm Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực nhưng thanh khoản hợp đồng lại vào thời điểm luật này có hiệu lực thì việc thu thuế sẽ tính như thế nào?

 

Theo quan điểm của đơn vị này, việc thu thuế Bảo vệ môi trường vẫn tiến hành với nguyên liệu gia công vì mặc dù nguyên liệu được nhập về trước thời điểm Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực, nhưng đến thời điểm thanh khoản mới tính được nguyên liệu tiêu hao mà lúc tính đó luật đã có hiệu lực rồi nên vẫn tiến hành thu.

 

 

Một trong những nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn, quy định chưa rõ ràng, cụ thể.

Ngoài ra, việc tính thuế Bảo vệ môi trường còn khó khăn đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu khác thuộc đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường. Ví dụ như túi nilon nhập khẩu.  Các văn bản liên quan không quy định túi nilong nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế Bảo vệ môi trường.

 

Nhưng quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 152/2011/TT-BTC thì hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu (kể cả trường hợp trả lại hàng) ra nước ngoài sẽ được hoàn lại số thuế Bảo vệ môi trường đã nộp đối với số hàng tái xuất ra nước ngoài. Đối chiếu với các quy định nêu trên thì túi nilong nhập khẩu mặc dù thuộc đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng không đưa vào sản xuất mà tái xuất nguyên trạng thì sẽ được hoàn thuế.

 

Tuy nhiên, để tránh thất thu, cục hải quan địa phương này cho rằng, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế Bảo vệ môi trường khi nhập khẩu, nhưng sau khi thanh khoản, nếu xác định nguyên liệu đã tiêu hao trong quá trình sản xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng tiêu thụ trong nước thì sẽ kê khai tính thuế Bảo vệ môi trường theo quy định như hàng nhập khẩu kinh doanh.

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo