Thị trường

Thiếu vốn, hàng loạt dự án điện ngắc ngoải

Hàng loạt dự án thủy điện và nhiệt điện tại Quảng Nam triển khai chậm và đang chết do thiếu vốn đầu tư. Thậm chí, đơn vị thi công còn bỏ dự án để trốn chạy.

Ngắc ngoải vì... thiếu vốn đầu tư

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về việc chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư thủy điện đã được khởi công từ nhiều năm nay, ông Lê Quang Hào - Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính và phát triển năng lượng, chủ đầu tư dự án thủy điện Tr'Hy tại huyện Tây Giang, Quảng Nam, than ngắn thở dài sau khi giải trình với tỉnh.

Ông Hào nói rằng, trước khi khởi công đầu tư xây dựng dự án thủy điện Tr'Hy, đơn vị đã ký cam kết tài trợ vốn với ngân hàng. Nhưng đến năm 2011, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đầu tư. Lãi suất lên tới 21%, đơn vị phải tạm dừng triển khai vì ngân hàng ngừng cung cấp vốn.

Lý do này cộng với vốn vay lãi suất quá cao đã khiến việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng chậm lại. Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, làm đường tại địa bàn miền núi hiểm trở đã tốn khá nhiều thời gian cũng khiến  tiến độ dự án bị ảnh hưởng - ông Hào cho biết.

Thủy điện Tr'Hy được đầu tư xây dựng với tổng mức 763 tỷ đồng, nhưng đến nay, chỉ mới giải ngân khoảng 90 tỷ đồng.

Ngoài thủy điện Tr'Hy, còn có các dự án thủy điện Đăk My 2, Đăk My 3 (Phước Sơn) cũng bị chậm tiến độ do đơn vị chủ đầu tư thiếu vốn.

 

 

 

Nhiều dự án thủy điện thiếu vốn nên chậm triển khai



Đại diện chủ đầu tư thủy điện Đăk My 2 Nguyễn Cảnh Hướng than thở với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam: "Sở dĩ các nhà máy chậm tiến độ là do lãi suất ngân hàng quá cao. Nay lãi suất đã giảm mạnh, chúng tôi đang cố gắng đầu tư để đảm bảo tiến độ thi công".

Tại cuộc làm việc với các chủ đầu tư dự án thủy điện chậm tiến độ hôm 30/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định: "Nếu chủ đầu tư khó quá thì dừng dự án, đừng để bước tới cũng không được, lùi lại cũng không xong" .

Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng vốn đầu tư dự kiến của 3 dự án thủy điện trên là hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm khởi công (từ năm 2007) đến nay, mới chỉ có tổng cộng 320 tỷ đồng được đầu tư tại các công trình này.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, nhìn nhận, nếu các chủ đầu tư tiếp tục triển khai các dự án này thì cần phải ký cam kết và cung cấp cho tỉnh hợp đồng của ngân hàng về cung cấp tín dụng để tỉnh thẩm định.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thu đưa ra "tối hậu thư": đến ngày 15/11, các chủ dự án thủy điện này phải có bản cam kết rõ ràng gửi UBND tỉnh xem xét, từ đó mới quyết định cho tiếp tục triển khai dự án hay không.

Bỏ dự án, chạy tháo thân

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn có công suất 30MW, do Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 674 tỷ đồng.

Được khởi công xây dựng năm 2008, đơn vị thi công là Tổng công ty Thiết bị nặng CHMC Trung Quốc. Theo cam kết, nhà máy hoàn thành và chính thức phát điện vào cuối năm 2010. Mặc dù đã đầu tư gần ½ khối lượng xây dựng, nhưng dự án nay đã ngừng thi công. Đơn vị trúng thầu đã bỏ của chạy lấy người. Toàn bộ công nhân Trung Quốc đã rút về nước.

Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu vốn đầu tư.

Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Võ Đình Đạt, Phó giám đốc Công ty cổ phần than, điện Nông Sơn - Vinacomin, đại điện chủ dự án nhiệt điện Nông Sơn, là do khủng hoảng tài chính, trượt giá khiến nhà thầu chịu không nổi nên đã phải ngừng thi công.

Không riêng gì dự án thủy điện, nhiệt điện trên địa bàn Quảng Nam chậm tiến độ và kéo dài mà còn có rất nhiều dự án đầu tư khác tại vùng ven biển cũng chậm tiến độ và kéo dài hàng chục năm nay, người dân bức xúc gọi đó là những dự án "treo".

 

 

Đoàn Huế (Theo VEF)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo