Thịt ngoại tràn từ siêu thị ra phố
Trong khi EU, Nhật Bản đang tăng tốc triển khai kế hoạch đưa thịt heo, bò của họ vào VN. Thịt bò ngoại trước chỉ trong siêu thị nay đã có mặt ở khắp các sạp bán lẻ...
Sau đùi, cánh gà và phụ phẩm dành cho đối tượng có thu nhập thấp, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện... thịt heo, bò dành cho phân khúc tiêu dùng trung và cao cấp đã tăng tốc nhanh chóng vào thị trường VN.
Nhập khẩu bò Úc tăng nóng
Như thường lệ, cứ đến sáng chủ nhật, chị Nguyễn Thanh Hiền (Q.1, TP.HCM) lại ghé cửa hàng thịt bò trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) để mua thăn bò Úc về làm món bò nhúng dấm. Chị Hiền cho biết do ba mẹ đi làm bận, các cháu đi học cả tuần nên nhiều khi bữa ăn hằng ngày chuẩn bị theo phương châm nhanh gọn.
Chỉ đến cuối tuần có thời gian rỗi chị mới nấu món khoái khẩu cho chồng và hai cậu con trai. Trước đây chị Hiền thường mua bò Củ Chi nhưng gần một năm nay đã chuyển hẳn sang mua bò Úc.
“Thịt bò Úc mềm hơn bò trong nước, hơn nữa lại đảm bảo an toàn thực phẩm do được kiểm tra kỹ càng. Bây giờ đi vào cửa hàng thực phẩm hay siêu thị, đâu đâu người ta cũng bán bò Úc cả. Nói thiệt, tìm mua bò Úc giờ còn dễ hơn mua bò nội” - chị Hiền nói.
Thực tế, khoảng một năm trở lại đây, các địa điểm bán thực phẩm tươi sống phổ biến tại TP.HCM như Vissan, Co.op Mart, BigC... đều dần chuyển từ bò nội địa sang bán thịt bò Úc với giá chỉ cao hơn giá thịt bò trong nước 20.000-30.000 đồng/kg.
Đây là thịt bò được pha lóc từ bò sống nguyên con nhập khẩu từ Úc, chỉ mới phổ biến tại các thành phố lớn ở VN gần hai năm trở lại đây. Điều đáng nói là chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy, thịt bò Úc đã chiếm hết không gian của bò nội trong siêu thị rồi nhanh chóng lan vào các nhà hàng, quán ăn, quán phở chuyên thịt bò, đến các cửa hàng thực phẩm trên từng con phố.
Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi VN, chỉ trong tám tháng đầu năm nay VN đã nhập khẩu 129.273 con bò thịt các loại từ Úc, tăng 31.000 con so với số lượng nhập khẩu bò Úc của cả năm 2013. Dự kiến có khoảng 150.000 con bò Úc được nhập khẩu về VN trong năm nay, chưa kể hàng trăm ngàn con bò từ Thái Lan, Lào và Campuchia được đưa vào nội địa qua biên giới miền Trung và Tây Nam.
Chỉ sau mấy tháng mua bò từ Úc, VN đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu bò nhiều thứ hai của Úc (sau Indonesia) với số lượng ngày một tăng.
Thịt đông lạnh tấn công
Nếu như bò Úc là mặt hàng mới và có mức tăng trưởng quá nhanh, lại được bày bán ở nhiều nơi ngoài siêu thị thì các loại thịt đông lạnh nhập khẩu có mặt từ lâu tại thị trường nội địa cũng đang chiếm lĩnh ở nhiều phân khúc với số lượng nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Do thịt gia cầm đông lạnh nhập khẩu về ngày một nhiều với giá thành quá rẻ đã khiến ngành nuôi gà trong nước lao đao, nhiều doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” vì thịt ngoại.
Ông H., giám đốc kinh doanh của một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai, cho biết từ ba năm trước đã phải chuyển hướng từ tiếp cận các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và ngoại thành TP.HCM sang các nhà bán lẻ tại trung tâm thành phố.
Cũng như nhiều công ty chăn nuôi trong nước khác, công ty của ông H. chuyên nuôi và chế biến gà công nghiệp, trứng gà với định hướng cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, trường học và bệnh viện... đã phải ngậm ngùi nhường thị phần cho hàng ngoại nhập.
“Giá hàng chế biến của họ rẻ như gà sống trong nước thì làm sao cạnh tranh nổi. Chúng tôi đành chấp nhận giảm 50% sản lượng nuôi và chuyển hướng sang các nhà bán lẻ thực phẩm” - ông H. cho hay.
Theo Tổng cục Hải quan, trong chín tháng đầu năm nay VN đã nhập khẩu trên 85 triệu USD thịt đông lạnh các loại từ 19 thị trường khác nhau, tăng trên 12 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài một lượng nhỏ đùi gà công nghiệp, phần lớn thịt đông lạnh nhập khẩu là phụ phẩm như đầu, cánh, chân, nội tạng gà, heo với giá rất rẻ từ
0,7-1,5 USD/kg, trung bình 1,1 USD/kg (23.000 đồng/kg). Với mức giá thấp như vậy, thịt đông lạnh nhập khẩu được tiêu thụ mạnh ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện...
Nên có hàng rào kiểm tra chặt
Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, cho biết tổ chức này đã nhiều lần cảnh báo các cơ quan chức năng nên hạn chế hoặc nâng điều kiện kiểm tra các loại thịt đông lạnh nhập khẩu, nhất là nội tạng, để bảo vệ ngành chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng trong nước nhưng không hiệu quả.
“Nội tạng động vật là nơi chứa đựng nhiều chất độc hại nhất trong quá trình chăn nuôi. VN nhập khẩu những thứ đó về bán cho người dân không khác gì nhập khẩu chất độc về tiêu thụ” - ông Nguyễn Đăng Vang cho hay.
Sau thịt giá rẻ, thịt heo, bò dành cho phân khúc trung và cao cấp cũng đã bắt đầu tiếp cận thị trường VN với số lượng ngày một lớn. Xuất khẩu thịt của châu Âu vào VN dù số lượng còn khiêm tốn nhưng đã tăng lên nhanh chóng.
Trong đó, chín tháng đầu năm 2014 VN nhập khẩu từ châu Âu gần 3,3 triệu USD thịt các loại, tăng hơn bảy lần so với cùng kỳ năm 2013. Theo các nhà kinh doanh, xu hướng thịt châu Âu vào VN sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới bởi VN được coi là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của các nhà sản xuất thịt châu Âu.
Ngay từ tháng 7-2013, Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt châu Âu (UPEMI) đã tiến hành một chiến dịch kéo dài 36 tháng nhắm vào ba thị trường trọng điểm là Mỹ, Hàn Quốc và VN. UPEMI đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau nhằm đưa thịt heo chất lượng cao của châu Âu vào các thị trường này, chưa kể những nỗ lực riêng lẻ từ các cơ quan xúc tiến thương mại của từng nước.
Hồi tháng 6-2014, VN đã mở cửa cho thịt bò của Nhật Bản. Ngay lập tức hơn 20 nhà sản xuất thịt bò của nước này đã đến VN gặp gỡ các nhà nhập khẩu và phân phối trong nước để đưa loại thịt bò Kobe vào VN mà trước đây chỉ có hàng giả hoặc hàng xách tay bằng đường không.
Chi 400 triệu USD nhập thịt gia súc, gia cầm
Theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, ước tính trong năm 2014 VN sẽ nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại.
Trong đó, có 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về giết thịt, với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại.
Nhập khẩu các loại thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm chiếm 120 triệu USD, còn lại là các loại thịt khác như heo, cừu, trâu...
Lẽ ra VN phải là quốc gia xuất khẩu thịt
Theo các công ty chăn nuôi, VN có tổng đàn heo nái đứng thứ 4 thế giới (gần 5 triệu con) nhưng chỉ sản xuất đủ thịt heo tiêu dùng trong nước, cho thấy ngành chăn nuôi VN đang có vấn đề nghiêm trọng. Lẽ ra với số lượng heo nái như vậy, VN phải là quốc gia xuất khẩu thịt heo ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, do chất lượng con giống kém nên VN chỉ mới sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu nội địa. Hơn nữa, vẫn còn tới 60% hộ chăn nuôi của VN là quy mô hộ gia đình với giá thành sản xuất cao, dễ mắc dịch bệnh nên giá thành sản xuất của VN còn rất cao, khó có khả năng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Dự báo khi VN tham gia sâu rộng hơn vào các hiệp ước thương mại, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh hơn sẽ càng tạo áp lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết theo lộ trình AFTA (Khu mậu dịch tự do ASEAN), từ năm 2015 thuế nhập khẩu heo, gà giữa các nước ASEAN sẽ không còn. Khi đó thịt gà giết mổ từ Thái Lan có thể vận chuyển bằng ôtô về VN trong ngày mà giá thành vẫn cạnh tranh được với hàng trong nước.
Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Dương - cục phó Cục Chăn nuôi - cho biết các nước tham gia đàm phán TPP đều có ngành chăn nuôi phát triển, tiềm năng chăn nuôi lớn hơn VN.
Chẳng hạn hiện giá thành sản xuất heo của VN ở mức 39.000-46.000 đồng/kg và giá bán là 50.000-55.000 đồng/kg, trong khi giá bán heo hơi tại Mỹ chỉ có 34.000 đồng/kg. Do đó khi tham gia TPP, nhiều khả năng hàng hóa nước ngoài sẽ vào VN thay vì theo hướng ngược lại.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Vang - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN - cũng khẳng định ngành chăn nuôi là ngành gặp bất lợi nhất nếu VN tham gia TPP. Trong số các nước tham gia TPP, VN chỉ có lợi thế xuất khẩu nông sản và sản phẩm chăn nuôi vào Nhật Bản. Do đó, ngành chăn nuôi cần có những chính sách đặc biệt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trước hàng ngoại nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT