Thời doanh nghiệp và lao động “sống” với nhau bằng... niềm tin
Mặc dù đã có tín hiệu tích cực từ các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2012, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia thì năm nay tình hình khó khăn chung còn tiếp diễn. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thậm chí, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể. Vấn đề đặt ra ở đây là cách chia sẻ của doanh nghiệp với các đối tác, chủ sử dụng lao động và người lao động như thế nào để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Phải "xẻ của" cho người lao động
Nhìn thẳng vào tương lai của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh dự báo: Kinh tế năm 2012 còn nhiều khó khăn, tình trạng này nếu nhanh cũng kéo dài đến hết nửa năm, số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động còn gia tăng.
"Tôi biết, từ năm 2008 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn lắm, nhiều doanh nghiệp mệt mỏi và khó gượng được. Tôi gặp nhiều doanh nghiệp ngay cả những ngày đầu năm người ta chúc nhau thành công hơn năm trước nhưng thực tế họ đã mất tinh thần, mất niềm tin và khá bi quan", TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Doanh trước tình hình đó, vẫn có doanh nghiệp có những chính sách đúng đắn, chịu lỗ để duy trì đội ngũ nhân viên nòng cốt bằng việc vẫn trả lương (mức lương thấp) đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp. Nhưng có doanh nghiệp lại sử dụng chính sách thông báo không hoạt động để không đóng thuế, không trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.
"Với những doanh nghiệp này cần kêu gọi sự chia sẻ khó khăn của người lao động bởi dẫu sao người chủ vẫn còn đỡ khó khăn hơn người lao động. Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên bàn bạc và có phương thức kinh doanh ngắn hạn để có thu nhập nhất định nào đấy có thể nuôi sống được nhân viên.
Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên với công bố của Tổng Cục thống kê nói rằng, năm 2011 số lượng lao động thất nghiệp thấp hơn năm 2010, con số là không phù hợp với thực tiễn nền kinh tế. Điều này minh chứng có nhiều doanh nghiệp không tuyên bố phá sản nhưng họ không hoạt động nên con số của Tổng Cục thống kê không chính xác, khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình".
Lãi suất cao, ám ảnh lạm phát lớn vẫn là mối lo của nhiều doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Hiện nay các doanh nghiệp cũng đang rất lo lắng về tương lai hoạt động của họ trong năm nay. Cũng dễ dàng hình dung là có thể có một loạt doanh nghiệp không thể trụ nổi vì xưa nay họ chủ yếu cạnh tranh bằng giá cả và bằng chi phí thấp nhất thì bây giờ với mức giá tăng lên họ không còn cửa để tiết kiệm nữa. Với lãi suất cao thì chi phí vốn đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực tư nhân vẫn ở mức tiếp tục cao.
Bên cạnh đó, Nhà nước chủ trương tăng mức lương tối thiểu, các doanh nghiệp cũng tự mình phải điều chỉnh tiền công, tiền lương cho người lao động. "Đầu vào tăng lên như vậy, tôi rất lo ngại sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tìm cách rút lui tạm thời ra thị trường, ít nhất là trong thời điểm khó khăn như thế này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tập trung hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thu hẹp đầu tư trong một số lĩnh vực nhất định", bà Chi Lan nói.
Thực tế, đã có những chủ doanh nghiệp chấp nhận mang tiền nhà tích luỹ nhiều năm tung ra để nuôi nhân viên, giữ cho công ty “sống” qua thời gian khó khăn, chờ vận hội mới. Ông Lê Đăng Doanh cho biết: "Tôi đã gặp những chủ doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ và vẫn trả lương cho cán bộ nhân viên chủ chốt như kỹ sư, thợ giỏi với mức đảm bảo cuộc sống tiết kiệm hơn. Làm như vậy, họ mới giữ được nhân tài, những người mà thậm chí họ đã phải bỏ tiền ra để đào tạo".
Minh bạch để đoàn kết hơn
Để vượt qua khó khăn chung, có doanh nghiệp chọn biện pháp tăng lương để chia sẻ khó khăn cho người lao động, từ đó thúc đẩy năng lực công việc của ho, nhưng điều này chỉ có ở những công ty có vốn nước ngoài với sự hậu thuẫn của tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Còn thực tế, nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn những biện pháp tiêu cực hơn, là cắt giảm lương của các nhân viên trong công ty.
Để nhận được sự chia sẻ bằng chính việc cắt giảm hầu bao của người lao động, ông Lê Đăng Doanh cho rằng: "Chủ doanh nghiệp cần công khai tình hình lỗ lãi, hàng hoá tồn kho không bán được, lãi suất ngân hàng ra sao với người lao động nhằm thuyết phục để mọi người cùng chia sẻ với nhau.
Nếu không làm rõ những thông tin ấy thì "một mất mười ngờ" nghi hoặc nhau mỗi người đòi hỏi một yêu cầu cho bản thân thì khó tạo sự đồng lòng cho một quyết định giữ sự tồn tại của doanh nghiệp. Tôi biết một số doanh nghiệp đã có đối thoại thẳng thắn, có sự thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp để cùng nhau vượt qua khó khăn".
Người lao động trong bối cảnh này cũng biết chấp nhận mức lương bị giảm thay vì bị mất việc, phải tìm công việc mới. Chị Phạm Minh Thanh, nhân viên kinh doanh Công ty Huy Bình (Hà Nội) cho rằng: "Cá nhân tôi sẽ đồng ý chia sẻ khó khăn với công ty trong thời hạn 1 năm. Nếu như trong vòng 1 năm đó công ty kinh doanh vẫn không có hiệu quả thì đó không còn là do ảnh hưởng của lạm phát nữa mà do cách điều hành của lãnh đạo. Tôi sẽ tìm một công việc khác phù hợp hơn".
Nhiều nhân viên khi được hỏi nếu bị cắt giảm lương liệu có bỏ công ty hay không? Cũng như chị Thanh, nhiều nhân viên khác cho rằng, việc rời bỏ công ty trong thời điểm khó khăn này không hợp lý. Những khó khăn do lạm phát đưa lại thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn, do đó người lao động nên chia sẻ tinh thần trách nhiệm của mình với doanh nghiệp. Với mức lạm phát chưa giảm như năm qua thì với mức lương bình thường cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ rồi, vì thế, với mức lương đã giảm bớt, mỗi nhân viên phải điều chỉnh thật hợp lý các chi tiêu cá nhân của mình.
Ông Thái Quốc Minh - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty TNHH đầu tư tư nhân VINA cho rằng, việc nhanh chóng đồng ý với đề nghị giảm lương của ban lãnh đạo là không nên. Các nhân viên trong công ty đó có quyền được đối thoại với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước khi ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Các nhân viên nên họp nhau lại, trao đổi với nhau tìm một phương án tối ưu giúp công ty vượt qua khó khăn, trước khi quyết định giảm lương.
Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch chi hội Marketing Hà Nội cho rằng, việc đồng ý giảm lương nhanh chóng không phải là lựa chọn hợp lý. "Thực ra, một nền kinh tế bị khủng hoảng trong bao lâu rất khó xác định. Cách tốt nhất là chúng ta đưa ra phương án làm việc với năng suất cao hơn, cho chất lượng sản phẩm tốt hơn. Chúng ta không nên đi đến phương án cắt giảm lương", ông Tuấn nêu giải pháp.
Nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn khẳng định, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu có nguồn nhân lực tốt, đội ngũ doanh nhân tốt, Việt Nam sẽ sớm vượt qua các thách thức để tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, những ông chủ có cái nhìn tích cực, những người lao động gắn bó với công ty, yêu công việc mình đang theo đuổi phải biết cách chia sẻ để cùng lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong khó khăn mới biết ai là người tri kỷ!
Tìm cách đối thoại với người lao động, tìm cách cùng vượt qua khó khăn là cần thiết, dưới quan điểm của một nhà điều hành, ông Thái Quốc Minh - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty TNHH đầu tư tư nhân VINA (VP Capital) chuyên về đầu tư tài chính cho rằng, sự phản hồi của người lao động với các quyết định của ban lãnh đạo là rất cần thiết. "Với người cán bộ mà nói gì nghe ngay, giảm lương đồng ý ngay, nếu phải chuyển công việc cũng đồng ý chuyển đi thì tôi không thích lắm", ông Minh nêu quan điểm.
Trong khó khăn mới biết người tri kỷ, nhiều giám đốc doanh nghiệp đều khẳng định: Muốn doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh thì điều quan trọng là phải tôn trọng người lao động. Sự tôn trọng ở đây chính là người làm chủ phải biết quan tâm, chăm lo đến cuộc sống, lợi ích của người lao động.
Đồng thời có chế độ thu hút và đãi ngộ xứng đáng với người tài. Trong công việc có quy chế xử phạt, khen thưởng phân minh thì mới phát huy và kích thích được tinh thần hăng say làm việc. Nếu doanh nghiệp chỉ biết lo cho lợi ích của người làm chủ thì đừng bao giờ đòi hỏi người lao động tận tuỵ, tâm huyết cống hiến cho mình, nhất là khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn do yếu tố khách quan mang lại. |
Theo Vương Hà (Người đưa tin)
End of content
Không có tin nào tiếp theo