Pháp luật

Thói háo danh, sống ảo của giới trẻ nhìn từ chiếc iPhone 6 "cong"

Cùng một chiếc iPhone 6 bị móp vì giằng co với tên cướp rất gay cấn, nhưng lại có ít nhất 5 cô gái nhận mình là người bị hại. Vì sao lại có chuyện “hư cấu” như vậy?

H.TX lên mạng than vãn:



Câu chuyện lạ đời về chiếc iPhone 6 bị bẻ cong


Một cô gái khá xinh xắn có nick-name H.X.T lên mạng kể câu chuyện giằng co chiếc iPhone 6 với cướp trên phố, kết quả là chiếc điện thoại bị bẻ cong rất đáng tiếc. Hình ảnh chiếc iPhone có giá thị trường không dưới 15 triệu đồng nay đã bị móp được chụp cận cảnh, mặt trước, mặt sau đầy đủ khiến ai đi ngang qua cũng cảm thấy xót của thay cho cô gái.

Câu chuyện “của đau con xót” này nhận được nhiều sự cảm thông của bạn bè cô gái, của những cư dân mạng với bình luận rằng: “bạn dám giằng co với ăn cướp à, liều thế”, “iPhone 6 dởm thật, dùng lực tí đã móp”, “người không sao là may rồi bạn ạ”… Ở tầm cao hơn, chuyện của H.X.T sẽ là một bài học cảnh giác cho mọi người về nạn trộm cướp đang hoành hành hiện nay.

Thế nhưng, ai nấy đều té ngửa khi một người bạn của H.X.T vào bình luận rằng vừa thấy một người bạn khác cũng đăng những hình ảnh, câu chuyện bị cướp iPhone giống hệt như H.X.T trên trang Facebook cá nhân.

Lúc này H.X.T tỉnh ráo trả lời rằng: “Mình có bảo là của mình đâu???”. Khi ấy, bạn bè, những người quen của H.X.T mới té ngửa, cảm thấy ấm ức vì vừa “khóc mướn” cho một chiếc iPhone 6 không có thật trên đời.

Lối sống ảo và liêm sỉ

Nực cười hơn nữa, chuyện hư cấu không dừng lại ở H.X.T mà còn ít nhất 5 cô gái trẻ khác đều nhận mình là nhân vật chính đáng thương trong vụ cướp giật gân. Sự thật chỉ được phơi bày khi câu chuyện chiếc điện thoại bị cướp được chia sẻ trên một diễn đàn có hàng ngàn thành viên. Các thành viên cùng cho biết họ có những người bạn nhận là người bị cướp iPhone 6.

Đứng trước sự thật này, các cô gái “nhận vơ” thì tẽn tò, còn người bị hại thật cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ trong khi cô cố gắng hỏi bạn bè nơi sửa chiếc điện thoại uy tín.

Câu chuyện về chiếc iPhone 6 bị cướp chính là điển hình cho lối sống ảo của nhiều bạn trẻ hiện nay. Chỉ vì háo danh, thích thể hiện mình là người giàu có để được ngưỡng mộ, bạn trẻ không ngại nhận vơ, thậm chí không cả xấu hổ khi bị người khác “bóc mẽ”.

Trước câu chuyện bi hài, admin của diễn đàn này đặt câu hỏi: “Vấn nạn cướp bóc và thực trạng sống ảo của các thôn nữ trên mạng, điều gì khiến người ta bức xúc hơn nhỉ?”.

“Tầm này các cô sống ảo có còn biết liêm sỉ là gì không vậy?”, lời bình luận của bạn Lại Xuân Cường như đánh động không ít bạn trẻ đang u mê chạy theo những giá trị không có thật trên mạng xã hội.

Mảnh đất nuôi dưỡng lối sống ảo

Mạng xã hội là nơi "vàng thau lẫn lộn", là mảnh đất màu mỡ sinh sôi và nuôi dưỡng lối sống ảo của bạn trẻ. Hiện nay, mạng xã hội phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của công ty WeAreSocia tháng 7/2012 cho kết quả, 86% người dùng Internet Việt Nam từng ghé thăm các trang mạng xã hội, trong đó đa phần là những người trẻ tuổi.

Theo Giáo sư Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh, sự khoe mẽ, chạy theo lối sống ảo, không thực chất đang ăn sâu vào nhiều bạn trẻ. Họ tự tâng bốc mình và muốn người khác phải… nể phục. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về một lối sống thực dụng.

Nguy hiểm hơn là nó tạo ra một bộ phận giới trẻ thích dựa dẫm vào người khác, thích kết thân với những người giàu có để được hưởng thụ. Đây là một trào lưu nguy hiểm. Nó cho thấy suy nghĩ của giới trẻ rất hời hợt, lệ thuộc vào những giá trị không thật.

Cùng một chiếc iPhone 6, nhiều cô gái đều nhận là của mình, đều than vãn là mới bị cướp giật

TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cũng từng nói: “Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Chỉ khi lăn vào cuộc sống thực, sống, lớn lên trong thế giới thực con người mới rèn được cách sống, chứ không phải là trong môi trường ảo.

Bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên Internet”.

Rõ ràng không thể cấm đoán, đi ngược lại xu thế phát triển chung của thời đại bùng nổ Internet. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các tổ chức giáo dục, đoàn thể cần có sự quan tâm sát sao hơn nữa để định hướng cho giới trẻ cách sử dụng mà không lệ thuộc, không bị thế giới ảo lôi kéo các em xa rời cuộc sống thực.

 

Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo